Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD thêm 0,25% vào ngày 17-12, áp lực tỷ giá VND/USD tiếp tục căng thẳng. Chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tỷ giá nói riêng cần được điều hành như thế nào trong thời gian tới để ổn định thị trường trong nước, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực (ảnh), chuyên gia tài chính - ngân hàng.
° Phóng viên: Theo ông, việc FED tăng lãi suất USD sẽ có tác động thế nào đối với kinh tế Việt Nam?
° TS CẤN VĂN LỰC: Tác động rõ nhất của việc FED tăng lãi suất USD là sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như năm 2016. Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định quyết tâm giữ tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa. Và khi đó, các nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, nhất là các nước có mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam. Tác động thứ hai là nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta liên quan nhiều đến USD. Dĩ nhiên, khi lãi suất USD tăng có thể khiến lãi suất hoặc tỷ giá một số đồng tiền khác (ví dụ EUR) giảm, do đó tác động chung về nợ nước ngoài không lớn, song lãi suất USD tăng khiến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cũng như vậy, nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, làm chi phí vốn vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Tác động thứ ba là dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Năm vừa qua, lường trước khả năng tăng lãi suất của FED, dòng vốn đầu tư đã có dấu hiệu chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tác động thứ tư, mới đây, đồng nhân dân tệ (CNY) đã được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Do đó, việc FED tăng lãi suất cùng với sự kiện trên sẽ làm cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc năm tới rất linh hoạt, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải bám sát động thái thị trường thế giới, nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, Trung Quốc để có những điều chỉnh kịp thời.
° Cho tới nay, động thái đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau khi FED tăng lãi suất USD lại là… giảm lãi suất tiền gửi bằng USD xuống 0%. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
° Tôi nghĩ đây là động thái chính sách khá kịp thời của Ngân hàng Nhà nước với 2 mục tiêu có thể đạt được. Thứ nhất là vẫn nằm trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế của Việt Nam 3-4 năm vừa qua. Thứ hai, đây là động thái nhằm điều chỉnh yếu tố tâm lý trên thị trường, qua đó giảm đi yếu tố đầu cơ và găm giữ ngoại tệ. Và như vậy, áp lực đối với tỷ giá sẽ nhẹ nhàng hơn.
° Một số ý kiến lo ngại việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ có tác động ngược lại: nghĩa là người dân sẽ rút ngoại tệ về và không gửi ở ngân hàng nữa. Và từ đó sẽ gây ra khó khăn về thanh khoản cũng như khả năng cung ứng ngoại tệ của ngân hàng cho các doanh nghiệp nhập khẩu?
° Qua quan sát cũng như thực tiễn phân tích, tôi nghĩ rằng có lẽ người dân sẽ không rút ngoại tệ ra khỏi ngân hàng. Bởi lý do là lãi suất USD lâu nay vốn dĩ đã rất thấp, chỉ 0,25%/năm. Nay rút về 0% thì chênh lệch cũng không phải là quá lớn. Lâu nay người dân gửi ngoại tệ ở ngân hàng không vì mục đích hưởng lãi suất, mà để dự trữ, đáp ứng nhu cầu thanh toán vào những lúc cần thiết. Thứ hai, về quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay khá ổn định. Xét về yếu tố cung liên quan đến xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, giải ngân vốn ODA, và các nguồn cung khác cũng đều tăng trưởng khá tốt, đâu đó khoảng trên 10%. Về cầu ngoại tệ, về cuối năm có tăng một chút nhưng trên thị trường nguồn cung vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, như tôi đã nói, năm 2016, áp lực với tỷ giá rõ ràng là rất lớn và Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát thị trường để có thể điều chỉnh linh hoạt.
° Linh hoạt được hiểu ra sao, thưa ông? Liệu Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục đưa ra cam kết tỷ giá cho năm tới?
° Linh hoạt được hiểu ở một số khía cạnh. Thứ nhất, giả sử nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra cam kết tỷ giá ở mức bao nhiêu trong năm 2016 thì cũng phải đi kèm điều kiện thị trường, ví dụ cam kết tỷ giá đó trong điều kiện thị trường không biến động lớn. Thứ hai, linh hoạt hơn ở góc độ phải bám sát chính sách tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam để có những điều chỉnh sát các nước. Thứ ba, có thể neo tỷ giá theo rổ tiền tệ thay vì neo theo đồng USD. Thứ tư, có thể đa dạng hóa thêm quỹ dự trữ ngoại hối, cụ thể, có thể xem xét bổ sung dự trữ đồng nhân dân tệ vào thời điểm phù hợp. Thứ năm, liên quan đến biên độ giao dịch, hiện biên độ là +/-3% nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể nới lên một chút nữa nếu cần thiết, dĩ nhiên không cần nới rộng biên độ lên đến 5% - 6%.
Năm 2016 mức độ biến động của tỷ giá sẽ mạnh hơn rất nhiều so với năm 2014 hay năm 2015. Vì thế, những “bài thuốc” chúng ta dùng trước đây để “trị bệnh” tỷ giá có lẽ cần phải đa dạng hơn nữa, cần phải có thêm một số loại “thuốc” khác nữa.
° Theo dự báo của ông, tỷ giá trong năm 2016 sẽ biến động ở mức thế nào là phù hợp?
° Chốt mức biến động bao nhiêu phần trăm không dễ bởi nó phụ thuộc nhiều vào thị trường. Về dự báo căn cứ phân tích tình hình thì mức biến động tỷ giá năm 2016 khoảng 3% - 5% có xác suất xảy ra khá cao. Hiện nay chúng ta đã hội nhập khá sâu rộng, và theo dự báo của nhiều chuyên gia trong năm 2016 đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ mất giá khoảng 6%. Bên cạnh đó, một số loại ngoại tệ khác liên quan đến USD, liên quan đến Việt Nam như EUR cũng được dự báo có thể mất giá khoảng 2%, đồng yen Nhật dự báo mất giá 6% - 8%... Bởi thế, biến động tỷ giá VND/USD năm 2016 khoảng 3% - 5%, là có khả năng xảy ra, và tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng đang tiên liệu theo hướng đó.
° Xin cảm ơn ông!
“ Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ trương bình ổn thị trường ngoại hối và tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều các giải pháp để ổn định thị trường và trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhất quán với các giải pháp điều hành, kể cả các giải pháp về lãi suất tiền gửi, cũng như các giải pháp về cơ chế điều hành” Bà NGUYỄN THỊ HỒNG
TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC |
BẢO MINH (thực hiện)