Căn bệnh khó chữa

Sự việc phụ huynh một trường tiểu học ở quận 8 (TPHCM) mới đây bị nhà trường ép mua “trọn bộ” sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập cho học sinh lớp 1 với giá hơn 800.000 đồng chưa kịp lắng xuống, thì tới một trường THPT có tiếng của TPHCM ra thông báo mỗi học sinh phải đóng số tiền hơn 2 triệu đồng cho các khoản thu đầu năm học.

Trong đó, một số khoản thu không rõ ràng giữa “bắt buộc” hay “không bắt buộc”, như: bảo hiểm tai nạn, công trình hỗ trợ cải tạo sàn nhà thi đấu, lắp đặt máy lạnh tại các phòng học… Trước đó, hàng loạt trường hợp phụ huynh cho biết bị nhà trường ép mua tập trắng, giấy bao tập, bảng bút lông, ghế ngồi, thậm chí máy chiếu cho các phòng học với mức thu từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. 

Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, trước đây, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường học chỉ được phép thu các khoản gồm học phí, bảo hiểm y tế (thu hộ và bàn giao lại cho bảo hiểm xã hội), tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, phí phục vụ và quản lý bán trú, tiền vệ sinh, thiết bị và vật dụng bán trú.

Ngoài ra, trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh, nhà trường có thể thu hộ, chi hộ một số khoản đóng góp như tiền nước uống, phù hiệu, in giấy thi và đề thi, dịch vụ tin nhắn qua sổ liên lạc điện tử…

Riêng đối với các công trình cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, nhà trường không được trực tiếp vận động, thu tiền của phụ huynh. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2018-2019, khi Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành về quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chính thức có hiệu lực thi hành, trường học có thể vận động phụ huynh, tiếp nhận các khoản tài trợ để mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Đây được xem là một trong những hướng mở giúp các trường giải bài toán khó khăn về kinh phí đối với các hạng mục công trình cần cải tạo, sửa chữa ngay, không thể chờ quy trình làm hồ sơ, xin cấp kinh phí sửa chữa từ ngân sách theo kiểu “gối đầu” từng năm học.

Song, chủ trương đã có nhưng thực tế cho thấy, do chưa có văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý thành phố nên các trường vẫn dè dặt trong triển khai, hầu hết công trình mua sắm, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất đều do ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức với cách làm không giống nhau, dễ gây bức xúc cho phụ huynh.

cạnh đó, đối với các khoản thu trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh, những ai từng có con đi học đều hiểu rất rõ, dù mang danh nghĩa “thỏa thuận với phụ huynh” nhưng phụ huynh thường chỉ được nhận thông báo, danh sách các khoản thu đến đâu, phụ huynh đóng tiền đến đó, chứ không được lựa chọn các khoản đóng góp. Một vài trường hợp cá biệt, phụ huynh còn được vận động đóng tiền cho quỹ chăm sóc cây xanh, hỗ trợ mô hình thư viện tiên tiến, lắp đặt mái che nắng, gắn camera trong sân trường…

Không thể phủ nhận cái khó của các trường khi một bên là yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học và chăm sóc học sinh, tức kèm theo đó các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng ốc dạy học hiện đại; bên kia thì bị ràng buộc bởi hàng tá quy định, cơ chế từ bộ, ngành khiến chủ trương dù có nhưng không dễ thực hiện. Tuy nhiên cứ mỗi đầu năm học là tình trạng lạm thu diễn ra như một căn bệnh đến mùa lại phát, khiến dư luận bức xúc. Phải chăng, việc trị bệnh lạm thu giữa tiến trình đổi mới giáo dục là quá khó? 

Tin cùng chuyên mục