Cán bộ, công chức, viên chức có tâm thế mới sau ngày 1-7

Từ ngày 1-7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 chính thức có hiệu lực. Nhiều quy định mới liên quan tới quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cần phải biết. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ).

Quy định mới về “liên thông” công tác cán bộ

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, từ ngày 1-7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 chính thức có hiệu lực. Điều này tác động như thế nào tới CBCCVC?

Ông NGUYỄN TƯ LONG: Đội ngũ công chức sẽ có tác động tương đối lớn. Những người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang là công chức sẽ không còn là công chức sau ngày 1-7. Nhưng dù là công chức hay viên chức, họ vẫn làm những công việc như vậy, lương của họ vẫn được hưởng từ quỹ đơn vị sự nghiệp công lập. Tôi nghĩ sẽ có tác động tốt lên. Công tác họp hành, thi đua, đánh giá sẽ gắn với cơ quan quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập đó. Sau ngày 1-7, họ là viên chức đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ không phải ký lại hợp đồng, không có thay đổi gì quá lớn. Đến hiện tại, theo đánh giá chung, đội ngũ này tương đối ủng hộ, mặc dù lúc đầu chúng tôi khá lo lắng, bởi vì số lượng thuộc diện này rất lớn. 

Công chức phường Bến Thành, quận 1, TPHCM đang tiếp nhận, chứng thực hồ sơ sao y của người dân. Ảnh: KIỀU PHONG
Một số chính sách quan trọng khác đối với đội ngũ CBCCVC cũng sẽ chính thức có hiệu lực. Ví dụ công tác liên thông công tác cán bộ, chính sách xét tuyển, thi tuyển. 

Cụ thể, thi tuyển công chức có 2 hình thức (thi và xét tuyển), nhưng trong tuyển dụng, đầu vào có 3 đối tượng được xét tuyển (sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; đối tượng cử tuyển; đối tượng vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn). Với quy định mới, khi đơn vị hay địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng 100 người thì phải xác định số lượng bao nhiêu vị trí, bao nhiêu người thực hiện xét tuyển, đối tượng xét tuyển được phân hóa thành 3 loại để cạnh tranh nhau. Có thể hiểu, không thể lấy một sinh viên xuất sắc để cạnh tranh với đối tượng cử tuyển. Như vậy sẽ tạo ra sự minh bạch trong công tác tuyển dụng. 

Với công tác liên thông, nếu trước kia được sử dụng khái niệm “tuyển dụng với trường hợp đặc biệt”, thì nay không được xem là “tuyển dụng” nữa mà xem đó là “liên thông” trong công tác cán bộ. Ví dụ, một người xuất ngũ từ quân đội, công an, mặc dù là người trong hệ thống nhưng họ không phải là công chức. Theo quy định mới, nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu có thể thực hiện tiếp nhận vào làm công chức. Duy nhất chỉ có “quy trình tiếp nhận” mà không cần các bước, các điều kiện tuyển dụng như trước kia. Bên cạnh đó, những trường hợp đã là công chức (thi đầu vào), nhưng do điều động của cơ quan, tổ chức làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập (lúc này là viên chức) hoặc cơ quan, tổ chức trong hệ thống, nhưng thời gian nào đó tổ chức có yêu cầu điều động ngược trở lại đơn vị cũ. Nếu quy định trước kia phải thực hiện xét tuyển trước khi về thì quy định mới có thể tiếp nhận luôn, không phải đáp ứng yêu cầu về thời gian. Đây chính là thể chế hóa chủ trương “liên thông trong công tác cán bộ” của Đảng.

Những đối tượng là viên chức sẽ chịu ảnh hưởng ra sao, thưa ông?

Viên chức sẽ có những thay đổi cơ bản. Đó là đối tượng đã ký kết hợp đồng không xác định thời hạn sẽ vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi những đối tượng tuyển dụng từ sau ngày 1-7-2020 (sẽ thực hiện việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn). Thực ra, chính sách không viên chức suốt đời sẽ tác động đến tâm lý và suy nghĩ của đội ngũ viên chức, nhưng cũng tạo sự cạnh tranh trong đơn vị. Trong quá trình xin ý kiến, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến, từ tích cực tới băn khoăn. Chẳng hạn, có ý kiến băn khoăn với quy định này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu bởi cứ 5 năm phải ký lại hợp đồng thì có cần thiết không? Đây cũng là nội dung đã được xin ý kiến rất kỹ trong quá trình soạn thảo, và luật cũng đặt ra những quy định rào cản mang tính kỹ thuật để hạn chế tối đa tình trạng này. Ví dụ, luật đã quy định rõ, nếu đơn vị sự nghiệp đó còn nhu cầu đối với vị trí việc làm T và viên chức được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thì bắt buộc phải ký tiếp với viên chức đó, chứ không ký được với người khác. 

Sẽ có trường hợp ngoại lệ về công tác cán bộ

Thưa ông, quá trình Bộ Nội vụ xin ý kiến các bộ ngành, dư luận xã hội để hoàn thiện quy định trong luật có vấp phải nhiều phản ứng hay ý kiến trái chiều nào không?

°Riêng về quy định “người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức” mặc dù là chủ trương được ghi trong nghị quyết của Đảng nhưng phạm vi tác động lớn nên quá trình làm từng bước đều xin ý kiến rất kỹ. Ban đầu, chúng tôi cũng khá lo lắng về quy định này nhưng khi xin ý kiến thì gần như đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các cấp, từ bộ ngành, Chính phủ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập đều áp dụng như vậy, mà riêng đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước vẫn giữ người đứng đầu là công chức để đảm bảo tính ổn định, sự ghi nhận. Việc của chúng tôi là phải chỉ ra được đối tượng thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước. Vấn đề này cũng đã được xử lý trong nghị định và đó phải là đơn vị thuộc diện 100% kinh phí nhà nước bảo đảm; ở địa phương cũng chỉ giới hạn đối tượng ở trường đào tạo chính trị và đài phát thanh -  truyền hình. 

Trong các quy định mới, chế độ thu hút người tài sẽ như thế nào, thưa ông?

Nếu đặt vấn đề “thu hút” đã có Nghị định 140 của Chính phủ về thu hút nhà khoa học, cán bộ trẻ. Luật đưa đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc vào xét tuyển đã là một đối tượng để thu hút, còn các chính sách cụ thể sẽ giao cho Chính phủ quy định khung đối với những người có tài năng trong hoạt động công vụ để thu hút, tạo điều kiện cho họ về làm việc. Trong phạm vi của luật sẽ không thể giải quyết được câu chuyện thế nào là người có tài năng, bởi đây là khái niệm còn rất nhiều ý kiến khác nhau, trong phạm vi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không thể xử lý bao quát toàn diện được. Hiện nay, dự thảo nghị định trình Chính phủ đã xây dựng các khung chính sách thu hút để căn cứ vào đó bộ ngành, địa phương theo khả năng và đặc thù của mình quy định cụ thể. 

Quá trình tuyển dụng công chức, viên chức thường tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Vậy trong quy định mới của luật sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

Vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm công khai, minh bạch và rõ về tiêu chuẩn, điều kiện. Hiện nay, hệ thống vị trí việc làm đang dần được hoàn thiện, việc tuyển dụng sẽ không tuyển “ào ào” như xưa mà bây giờ tuyển vào vị trí kế toán sẽ chỉ làm kế toán. Yêu cầu tuyển dụng phải được công bố công khai trên các phương tiện; kỳ thi, hội đồng thi phải công khai, minh bạch, quy định từng quy trình cụ thể. Trong dự thảo nghị định đã trình Chính phủ, bộ cũng đã đưa vào những ý tưởng mới về đánh giá năng lực tư duy người dự tuyển để lựa chọn chính xác người có năng lực vào làm việc. Việc chống tiêu cực trong tuyển dụng sẽ cố gắng đi vào việc quy định về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện. 

Liên quan tới các quy định trong tuyển dụng CBCCVC, những chứng chỉ, bằng cấp sẽ được quy định thế nào để bớt nhiêu khê, phiền hà cho người dân?

Chúng tôi đang sửa trong quy định mới theo hướng, nếu như vị trí việc làm yêu cầu bằng cấp mà người tuyển dụng đã có thì được miễn. Quy định sắp tới sẽ cố gắng làm sao giảm những chứng chỉ, điều kiện để giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Những quy định này không nằm trong luật, mà được quy định trong nghị định. 

Nhiều ý kiến băn khoăn về hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” đối với người đã về hưu, bởi đã về hưu thì việc xóa chức vụ không mang lại nhiều ý nghĩa, ông có thể chia sẻ thêm?

Trước hết, đây là chủ trương lớn của Đảng về việc nâng cao kỷ luật kỷ cương, nên luật cần thể chế hóa chủ trương này. Chúng ta nên bàn ở tính hợp lý của quy định. Hệ thống chính trị chúng ta đặc thù, Đảng lãnh đạo, hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp không phải là tam quyền phân lập, mà quyền lực nhà nước là thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ luôn được xác định là công tác của Đảng. Việc xử lý cán bộ nghỉ hưu trong thời gian vừa qua có tác dụng tốt, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận. Chúng tôi cho rằng quy định này trước hết sẽ đánh vào tâm lý của những người đương chức, rằng chưa chắc lúc nghỉ hưu đã “hạ cánh an toàn”. Điều đó có tác dụng cảnh báo những cán bộ biết là sai vẫn làm thì về sau chắc chắn phải chịu hệ quả, kể cả đã về hưu. 

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục