Niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài

Cần cân nhắc kỹ

Cần cân nhắc kỹ
Cần cân nhắc kỹ ảnh 1

Các nhà đầu tư trẻ trao đổi về thị trường chứng khoán ở công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: Thành Tâm

Cùng với thông tin về việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh, là việc các ngân hàng này cũng công bố ý định niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) nước ngoài - mà Singapore là thị trường được nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV nhắm đến. Lý do mà cổ phiếu các ngân hàng này “xuất ngoại” là để nâng cao uy tín, quảng bá thương hiệu, tăng khả năng huy động vốn, tăng tính thanh khoản…

Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào một thực tại là quy mô của các ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng chỉ cỡ các ngân hàng tầm trung bình của các nước trong khu vực. Đặc biệt là so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore – thị trường hiện đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đăng ký niêm yết, thì quy mô của các ngân hàng Việt Nam là không đáng kể.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập, TTCK đang được Nhà nước tập trung phát triển và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Khả năng huy động vốn lớn tại TTCK Việt Nam sẽ không khó và chi phí có thể thấp hơn nhiều so với các thị trường lớn khác. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng lớn – nguồn cung cổ phiếu chính cho TTCK trong một vài năm tới – chuyển sang niêm yết ở nước ngoài sẽ gây thiếu hụt và giảm sức hấp dẫn của nguồn cung chứng khoán trong nước, làm hạn chế sức phát triển của TTCK Việt Nam.

Xét về lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế thì việc đưa một lượng lớn cổ phiếu sang niêm yết ở thị trường nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc chuyển doanh thu từ phí giao dịch, phí niêm yết, phí lưu ký,… ra nước ngoài. Trong khi đó, người đầu tư trong nước muốn giao dịch các cổ phiếu này bắt buộc phải chấp nhận mức phí cao hơn do phải thực hiện các giao dịch qua biên giới. Như vậy, thoạt nhìn việc niêm yết tại thị trường nước ngoài có nhiều lợi ích, nhưng xét tận cùng về lợi ích của toàn bộ nền kinh tế thì chưa hẳn là phương án hiệu quả, do đó cần phải được cân nhắc kỹ trong bối cảnh thị trường hiện nay.

TTCK Việt Nam còn rất non trẻ và đang trong giai đoạn có những bước tiến nhảy vọt. Trong quá trình phát triển này ngành ngân hàng luôn có tầm ảnh hưởng rất mạnh đến tổng quan chung của TTCK nước nhà. Do vậy rất cần sự hiệp sức của tất cả các bên tham gia thị trường nhằm mục tiêu đem lại sự phát triển ổn định bền vững và lợi ích chung cho nền kinh tế.

QUANG ANH

Tin cùng chuyên mục