Cần chế tài các dự án chậm bồi thường

Hiệp hội sốt ruột
Cần chế tài các dự án chậm bồi thường

Việc giải phóng mặt bằng dở dang không chỉ khiến chủ đầu tư chậm triển khai dự án mà cơ quan chức năng cũng khó quản lý. Tuy nhiên, khổ sở nhất vẫn là người dân có đất trong khu vực dự án.

Hiệp hội sốt ruột

Quá trình rà soát và xử lý các dự án chậm tiến độ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã đề xuất một số tiêu chí, quan trọng nhất là tỷ lệ giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM đã mạnh tay loại hàng trăm dự án có tỷ lệ bồi thường, giải phóng mặt bằng dưới 50%. Còn đa phần các dự án có tỷ lệ bồi thường trên 50% được cho phép tiếp tục thực hiện nếu chủ đầu tư còn nhu cầu và có các cam kết khả thi về lộ trình, vốn, phương án thực hiện đẩy nhanh tiến độ… Thế nhưng cho đến nay, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng 70% - 80% tổng diện tích nhưng vẫn “án binh bất động”.

Dự án Tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông, Bình Tân, TPHCM kéo dài hơn 20 năm

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có văn bản kiến nghị một giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn TP. Theo đơn vị này, còn khoảng 52 dự án chưa thể triển khai do vướng mặt bằng (trong đó, phân nửa là các dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 80% tổng diện tích) do không thể thỏa thuận về giá. Do vậy, Hiệp hội Bất động sản đề xuất Nhà nước hỗ trợ thu hồi phần diện tích còn lại. Lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng đề xuất này là không phù hợp, bởi lẽ theo Luật Đất đai 2013, Nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cũng theo Sở TN-MT, khoảng 20% số dự án trên địa bàn TP đang bồi thường dang dở là các dự án thực hiện trước ngày 1-7-2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực). Các dự án thực hiện sau mốc thời gian này đều thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất (đất sạch đã được thu hồi) nên không có chuyện bồi thường dang dở.

Doanh nghiệp không vội

Trên thực tế, ngoài việc không thỏa thuận được về giá cả còn một nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, chậm triển khai dự án, xuất phát từ chính sự trì trệ của chủ đầu tư.
Dự án Tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đã kéo dài hơn 20 năm nay khiến người dân liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng xóa bỏ dự án, trả đất cho người dân sử dụng theo đúng mục đích. Bà Trần Thị Dung, một hộ dân có đất trong dự án, cho hay chỉ khi UBND quận Bình Tân tổ chức tiếp xúc thì họ mới được gặp chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư đô thị mới Sài Gòn. Thế nhưng, trái với mong mỏi của người dân là thương thảo về mức giá phù hợp thì chủ đầu tư “trả giá” 2 triệu đồng/m2, người dân vô cùng bức xúc.

Ông Lại Phú Cường, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, cho hay dự án này đã giải phóng mặt bằng gần 80% diện tích, nhưng 20% còn lại cũng có diện tích khá lớn do toàn dự án rộng đến 47,3 ha. Dự án này không thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất nhưng để hoàn tất việc thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân nên quận đã tìm mọi cách để hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Mới đây, quận đã thành lập một tổ hỗ trợ công tác bồi thường, tháo gỡ nếu có những vướng mắc về quy định và giúp chủ đầu tư thuyết phục người dân. “Địa phương giúp đỡ hết mình nhưng cũng chỉ là trọng tài, đơn vị trung gian. Cái chính vẫn phải là trách nhiệm và thiện chí của chủ đầu tư, họ phải đưa ra một mức giá hợp lý, chứ mức giá 2 triệu đồng/m2 đất thì chẳng ai chấp nhận được. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư trong vòng một tháng phải thuê đơn vị thẩm định giá độc lập để đưa ra một mức giá phù hợp với thị trường và có cơ sở rõ ràng. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ thuyết phục người dân. Tôi tin người dân sẽ chấp nhận nếu có cơ sở chứng minh về mức giá đó. Vì chính người dân cũng muốn di dời để ổn định đời sống!”, ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, sở dĩ lập tổ hỗ trợ là do phần diện tích chưa thu hồi của dự án Tiểu khu 3 quá lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và mỹ quan đô thị. Thực tế thì địa bàn Bình Tân còn khá nhiều dự án bồi thường dở dang, diện tích chưa bồi thường tuy ít nhưng chủ yếu rơi vào phần công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật… nên vô cùng quan trọng. “Nhiều dự án không thể kết nối giao thông với bên ngoài hay thiếu công trình công cộng phục vụ người dân. Vì thế, quận liên tục đốc thúc và mời chủ đầu tư đến bàn bạc, nhưng vì diện tích thương mại họ đã xây dựng và bán gần hết nên nhiều chủ đầu tư chẳng màng trước lời mời làm việc với quận. Trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định về xử lý, chế tài đối với các chủ đầu tư chậm bồi thường, cùng lắm là gây áp lực bằng cách thu hồi dự án hoặc không giao các dự án mới… nên hiệu quả răn đe đối với các chủ đầu tư chây ì chưa cao”, ông Cường nhận xét.

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Võ Kim Cương cho rằng nên hoàn chỉnh quy định của pháp luật về đất đai bằng các điều khoản xử phạt cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ, cả khâu giải phóng mặt bằng lẫn khâu xây dựng. Bởi lẽ vừa qua đã xảy ra nhiều trường hợp chủ đầu tư yếu - thiếu năng lực, không có nhu cầu thực sự nhưng hay xí đất khiến cho việc thực hiện quy hoạch đô thị bị kiềm hãm, công tác quản lý khó khăn cả về mặt phát triển đô thị lẫn kinh tế - xã hội. Đối với những trường hợp bồi thường dang dở hiện tại thì nguyên nhân sâu xa những bức xúc của người dân chính là người dân không được hưởng các quyền lợi hợp pháp từ đất. Chính vì vậy, phần diện tích mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận bồi thường được thì nên trả về cho người dân sử dụng đúng mục đích, không bị hạn chế quyền lợi. Nếu chủ đầu tư thực sự muốn phát triển dự án, họ sẽ có cách thương thảo đúng theo thị trường. Ông Cương cũng đề xuất chỉ cho dự án triển khai xây dựng khi đã bồi thường 100%, tránh trường hợp chủ đầu tư xây nhà bán xong không hoàn thiện hạ tầng công cộng.

MINH KHANH

Tin cùng chuyên mục