(SGGP).- Đó là nhận định của đa số các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Cơ hội mua nhà giá rẻ, mua nhà ở xã hội” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Báo Thanh tra tổ chức tại TPHCM sáng 8-6.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng mặc dù đánh giá cao gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng hiện nay hầu như các gói hỗ trợ đều “đổ” lên vai ngân hàng. Ngư dân, DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên, người mua nhà, doanh nghiệp xây dựng nhà ở đều do ngân hàng hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, các ngân hàng cũng phải kinh doanh và cần phải bảo toàn vốn nên khi người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, các ngân hàng cũng sẽ ưu tiêu giải quyết cho những đối tượng có tài sản bảo đảm và nguồn thu nhập ổn định vay nhiều hơn. Chính vì thế, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở làm sao để đừng dồn hết lên vai ngân hàng, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cho các đối tượng mua nhà trả góp, sinh viên mới ra trường…
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các chính sách về nhà ở tại Việt Nam chưa đồng bộ. Các gói hỗ trợ về nhà ở chỉ mang tính đối phó tình thế, chưa có tính ổn định lâu dài. Cùng với đó, các gói hỗ trợ nhà ở đều nhắm vào một điểm duy nhất là lãi suất nên thời hạn trả nợ, đối tượng được ưu tiên vay đều phụ thuộc vào ngân hàng và số lượng người vay mua nhà vẫn còn hạn chế. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề nghị Nhà nước cần có một chính sách chung để hỗ trợ người mua nhà lâu dài như các nước khác trên thế giới. Cụ thể tại Mỹ, tất cả người mua nhà trả góp đều được vay với lãi suất ổn định vào khoảng 3,5%/năm và được vay với mức lãi suất này trong 30 năm.
MINH HUY