Cần chủ động hơn trước mối đe dọa an ninh thông tin

Hội nghị lãnh đạo an ninh thông tin Đông Nam Á tiêu biểu 2012 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Sở TT-TT TPHCM và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy, sự kiện này đã mang lại những giá trị lý luận và thực tiễn, là nơi cập nhật và phản ánh những xu hướng và hiểm họa an ninh thông tin (ANTT) trên toàn thế giới, đồng thời nâng cao vai trò của người lãnh đạo ANTT trong tổ chức, doanh nghiệp…

Hội nghị lãnh đạo an ninh thông tin Đông Nam Á tiêu biểu 2012 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Sở TT-TT TPHCM và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy, sự kiện này đã mang lại những giá trị lý luận và thực tiễn, là nơi cập nhật và phản ánh những xu hướng và hiểm họa an ninh thông tin (ANTT) trên toàn thế giới, đồng thời nâng cao vai trò của người lãnh đạo ANTT trong tổ chức, doanh nghiệp…

Qua đây cho thấy, tình hình an ninh mạng trong nước và trên thế giới trong những năm gần đây diễn ra rất phức tạp và đáng báo động. Với những chiến thuật, vũ khí mới, tội phạm mạng ngày càng gây ảnh hưởng và đe dọa đến các cá nhân, tổ chức ở mọi cấp độ từ doanh nghiệp đến các chính phủ. Theo bảng báo cáo về hiện trạng bảo mật mới nhất công bố của Symantec, Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về các nguy cơ tấn công mạng. Số lượng các vụ tấn công có chủ đích gia tăng từ 77 cuộc mỗi ngày lên 82 cuộc tấn công mỗi ngày. Các cuộc tấn công có chủ đích lợi dụng các mạng xã hội và phần mềm độc hại chuyên biệt, nhằm có được khả năng truy cập bất hợp pháp tới những thông tin nhạy cảm.

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCert, trong các nguy cơ phổ biến nhất mà tin tặc tấn công có chủ đích ở Việt Nam thì mật khẩu là một trong những yếu tố được chúng khai thác mạnh nhất. Nguyên nhân tin tặc chọn mật khẩu để tấn công là mật khẩu ở Việt Nam được đặt quá đơn giản và theo các tổ chức bảo mật thì xếp hạng yếu thứ 3 thế giới, chỉ mạnh hơn mỗi Italia và Indonesia. Bên cạnh việc mật khẩu yếu, ông Vũ Quốc Khánh, cũng đưa ra nhiều phương thức khác phổ biến về tấn công bảo mật tại Việt Nam được tin tặc sử dụng khai thác như phát tán mã độc, tấn công email, tấn công vào các lỗi ứng dụng web, cấu hình Webserver, hạ tầng mạng không được đầu tư bảo mật, các dịch vụ về Botnet, spam…

Về giải pháp phòng chống, ông Khánh cũng cho biết dựa trên quy hoạch an toàn thông tin số tại Việt Nam đến năm 2020, trong đó có các yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với các cơ quan an ninh thông tin trong và ngoài nước, tăng cường nhận thức về an toàn thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành các văn bản quy định về an toàn thông tin…

Cũng chính vì thế, hội nghị lãnh đạo an ninh thông tin lần này xác định, người làm công tác ANTT ngày nay cần phải chủ động hành động, phát hiện những mối đe dọa đến tổ chức của mình và có phương án phản ứng kịp thời. Ngoài ra, lãnh đạo ANTT còn cần những giải pháp sáng tạo và thông minh nhằm tận dụng tốt nguồn tài nguyên có hạn của tổ chức và cần có trách nhiệm phối hợp với cá nhân, tổ chức và cả chính phủ nhằm đảm bảo an ninh bảo mật thông tin, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục