Cần cơ chế phù hợp trong thu hồi đất thực hiện các tuyến metro của TPHCM

Ngày 16-2, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì họp Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98); Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

6-8434.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cần "liên minh hành động" xây dựng metro

Theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2035 TPHCM phải hoàn thành hơn 200km đường sắt đô thị. Để thực hiện nhiệm vụ này, TPHCM đã thành lập Tổ tư vấn và nghiên cứu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM. Dự kiến trong quý 1-2024 sẽ hoàn thiện, trình Trung ương.

Thảo luận tại phiên họp, TS Vũ Minh Khương (thành viên Hội đồng) dẫn chứng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đường sắt đô thị (metro). Từ đó, ông đề xuất TPHCM nên thành lập “liên minh hành động” với thành phần là các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố nên khẩn trương thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ hơn nữa trên mạng xã hội để chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trên thế giới nắm thông tin.

9a-6834.jpg
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (thành viên Hội đồng) nhấn mạnh để thực hiện được 200km metro trong 12 năm tới, cơ chế quy hoạch và phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) cùng cơ chế huy động vốn là hai cơ chế xương sống, đi đầu. TPHCM cũng cần nghiên cứu thêm cơ chế chuyển giao công nghệ vận hành metro bởi thực hiện đề án này không chỉ trong giai đoạn xây dựng mà còn giai đoạn vận hành về sau.

Đồng quan điểm, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Hội đồng) cho rằng, muốn làm 200km trong 12 năm tới thì cần phải có sự đột phá, tư duy khác và cách làm khác hiện nay. Do đó, cần có tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Từ đó, ông đề xuất TPHCM thành lập tập đoàn đường sắt đô thị và TOD. Cốt lõi của tập đoàn này như một công ty cổ phần, các sở, ban, ngành là những cổ đông đầu tiên. Ông Sơn cũng đề xuất tiếp cận theo tư duy đa ngành chứ không đơn ngành. Ngoài ra, TPHCM cũng nên có một ban thực hiện dự án TOD vì Nghị quyết 98 đã trao quyền và Trung ương cũng ủng hộ TPHCM thực hiện cách làm này.

9-4582.jpg
KTS Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Sơn đề nghị cần có cơ chế định giá đất phù hợp với từng thời điểm, giá cả thị trường để người dân không khiếu kiện. Bởi nếu công tác đền bù chưa thực hiện xong mà khởi công thì giải quyết câu chuyện đền bù rất khó khăn vì sau khi khởi công, giá đất sẽ tăng lên từng ngày, từng giờ. Thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định sẽ kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Nghiên cứu mô hình tập đoàn metro và TOD

Tại phiên họp, TS Trần Du Lịch (Chủ tịch Hội đồng) khẳng định, hầu hết các ý kiến ủng hộ xây dựng đề án tổng thể và sau đó các cấp thẩm quyền phê duyệt, phân cấp cho chính quyền TPHCM phê duyệt từng đề án cụ thể. Các chuyên gia thống nhất cần có một số cơ chế đặc thù, mô hình, cách tổ chức triển khai trong thời gian ngắn. TS Trần Du Lịch cũng đề xuất sớm có tiêu chuẩn quốc gia về metro, làm cơ sở thống nhất để thực hiện.

9b-1694.jpg
TS Trần Du Lịch phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, không chỉ liên quan đến metro mà đối với các vấn đề khác, UBND TPHCM đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Đó là lý do vì sao TPHCM thành lập nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác.

Cụ thể, khi xây dựng hệ thống metro, tư duy đa ngành được thành phố tiếp cận ngay từ đầu, trong đó Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TPHCM. Từ tham mưu của các sở, ban, ngành, UBND TPHCM sẽ rà soát, có phân công cụ thể để làm rõ việc liên ngành, trách nhiệm và các mốc thời gian, kiểm soát đồng bộ, để tăng hiệu quả.

1-3190.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với đề xuất thành lập Tập đoàn metro và TOD, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này. Trong đó có thể xem xét thêm đề xuất các bên liên quan cần tham gia từ đầu để có sự đồng thuận. Còn vấn đề về cơ chế tài chính thực hiện đề án, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM không xin ngân sách trung ương, mà xin cơ chế tài chính để thực hiện. Việc làm thực hiện thí điểm các cơ chế, dự kiến thành phố sẽ thí điểm 1-3 năm trên một dự án. Trong thời gian này, tiếp tục chuẩn bị dự án khác để tiếp tục thực hiện các cơ chế này.

Về tiến độ thực hiện, đồng chí yêu cầu vẫn giữ mốc hoàn thành 200km metro đến năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định TPHCM có ý thức làm hệ thống đường sắt đô thị quốc gia, theo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nên thành phố xin cơ chế để hình thành tiêu chuẩn quốc gia. Từ đó, đồng chí yêu cầu trong quý 1-2024 hoàn thành đề án để trình Bộ Chính trị và Quốc Hội, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp giữa năm nay.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng) cho rằng, TPHCM và Hà Nội cùng đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện metro là hợp lý. Trong đó, TPHCM đề xuất Quốc hội chủ trương cho đầu tư một dự án 200km, phân cấp trọn gói cho TPHCM trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần quan tâm đến công tác bồi thường tái định cư; sử dụng nguồn lực trái phiếu đô thị, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách.

0-9581.jpg
PGS-TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

.

Tin cùng chuyên mục