Cần cơ chế thu hút nhiều người tài thi tuyển lãnh đạo

Sau gần 3 năm thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, tới nay đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển; 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng và đã có 368 ứng viên trúng tuyển. 

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện đề án diễn ra ngày 27-4, Bộ Nội vụ đánh giá, người trúng tuyển là những người có đức, có tài đã làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị người đó lãnh đạo, quản lý; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan. Thực tế cho thấy, việc tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển thời gian qua ở các bộ ngành, địa phương đã góp phần vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo ở địa phương, cơ quan và đơn vị. 

Nhưng, quá trình triển khai thực hiện đề án không phải không lộ ra những hạn chế cần khắc phục. Theo đó, với quy định “không thực hiện thi tuyển đối với chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức” đã gây ra vướng mắc đối với những người là ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với trường hợp viên chức đăng ký thi tuyển vào vị trí việc làm công chức, nếu trúng tuyển, trước khi bổ nhiệm phải được xét chuyển từ viên chức sang công chức và phải thông qua kiểm tra, sát hạch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện xét chuyển từ viên chức sang công chức thì không thể bổ nhiệm được. Bên cạnh đó, theo quy định tại đề án, việc thành lập hội đồng thi tuyển bắt buộc phải có ít nhất 70% số thành viên là cán bộ thuộc tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan đơn vị. Điều này đã phần nào hạn chế việc mời các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của người tham gia thi tuyển…

Việc lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ then chốt trong các nhiệm vụ then chốt. Việc tuyển chọn bằng cách thi tuyển cần có đánh giá bài bản, khách quan các quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn. Duy trì việc thi tuyển lãnh đạo sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng; có sự giám sát chặt chẽ; đảm bảo công bằng và phải có tính kế thừa. Công tác tuyển chọn này cần giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch, bổ nhiệm và thi tuyển vì có những người chuyên môn rất tốt nhưng khi trình bày đề án lại chưa tốt và ngược lại hoặc có thể người thi điểm cao nhưng khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý chưa chắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị mới. 

Chính vì vậy, nếu đề án này tiếp tục được thực hiện thì cần có một cơ chế làm thế nào để thu hút được nhiều người có tài thực sự tham gia thi tuyển, tránh tình trạng hợp thức hóa những người đã được cấp có thẩm quyền ý định trước. Bên cạnh đó, cần thiết kế lại nội dung thi tuyển, tập trung đánh giá về năng lực quản lý theo yêu cầu chức danh được tuyển chọn. Cùng với đó, có thể rút gọn quy trình tổ chức thi để rút ngắn thời gian làm quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển. Song, điều quan trọng hơn là cơ chế kiểm tra, giám sát, nghiêm túc trong đánh giá, chấm điểm; tăng thành viên hội đồng thi tuyển là những nhà khoa học, chuyên gia. Có như vậy, việc triển khai tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng mới đạt chất lượng như mong muốn.

Tin cùng chuyên mục