Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, tổng diện tích nhà lưu trú công nhân (NLTCN) trên địa bàn TPHCM là 1.492.000m², đáp ứng gần 474.000 chỗ ở cho công nhân. Trong đó, Nhà nước và DN đầu tư xây dựng 235.083m², đáp ứng khoảng 40.400 chỗ ở, số còn lại xã hội hóa đầu tư xây dựng từ các hộ gia đình và cá nhân. Mặc dù được đầu tư từ nhiều nguồn nhưng so với kế hoạch đề ra đến năm 2015, số lượng NLTCN của TP mới đạt khoảng 30%.
Khó tiếp cận vốn vay
Trước tình hình thị trường bất động sản “đóng băng” trong thời gian qua, việc triển khai các chương trình nhà ở, đặc biệt là NLTCN gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo chương trình NLTCN đã chủ động phối hợp với các sở- ngành và UBND các quận, huyện tập trung thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Theo đó đã hỗ trợ chủ đầu tư các dự án NLTCN hoàn chỉnh thủ tục để được vay vốn ưu đãi theo Thông tư 02/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Sở Xây dựng cho biết, theo kế hoạch xây dựng NLTCN trên địa bàn TPHCM từ năm 2009 - 2015, TP đã và đang xây dựng 23 dự án xây dựng NLTCN với diện tích đất là 57,25ha với khoảng 14.664 căn, đáp ứng thêm khoảng 119.480 chỗ lưu trú cho công nhân.
Một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nhà ở công nhân, về cơ bản TP đã đáp ứng được chỗ ở cho công nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì trong quá trình thực hiện, TP cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, về cơ chế vốn, Sở Xây dựng TP cho biết, mặc dù chương trình xây dựng NLTCN được hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu theo QĐ 33/2011 của UBND TP nhưng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, các DN thường gặp nhiều khó khăn thậm chí không vay được vốn do khi thẩm định các tổ chức tín dụng nhận xét phương án đầu tư không hiệu quả, thời gian thu hồi vốn quá dài. UBND TP cũng có QĐ 18/2011 về Quy chế cho vay đối với các hộ gia đình cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn TPHCM nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống; quy định các điều kiện cho vay chưa phù hợp với tình hình thực tế tại một số địa phương, người dân có nhu cầu xây dựng nhà trọ khó tiếp cận với nguồn vốn vay này. Chính vì thế, mới đây, UBND TPHCM tiếp tục có văn bản kiến nghị Chính phủ một số cơ chế hỗ trợ để TPHCM tăng tốc độ phát triển nhà ở cho công nhân. Cụ thể, để tạo nguồn vốn xây dựng, cần cho chủ đầu tư các dự án NLTCN được dùng đất của dự án để thế chấp hoặc sử dụng chính dự án NLTCN hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn. Đồng thời, cần cho phép DN đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân được cho thuê mua hoặc bán căn hộ cho gia đình công nhân đang làm việc tại khu chế xuất - khu công nghiệp sau thời gian thuê từ 10 năm trở lên, để công nhân ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc lâu dài.
Khuyến khích người dân xây dựng nhà trọ
Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, toàn TP có khoảng 19.500 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê với tổng diện tích sàn xây dựng là 1.256.995m2 đáp ứng 433.400 chỗ ở, tập trung tại quận 2, 9, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Sở Xây dựng TP cho biết, khoảng 90% nhà trọ cơ bản đạt chất lượng theo quy định tại Quyết định 75/2006/QĐ-UBND về quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TP. Các nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện về kinh tế đầu tư xây dựng và nằm trong khuôn viên nhà, đất của chủ nhà, được quản lý tốt và chất lượng cao hơn. Khoảng 10% nhà trọ chưa đạt chất lượng theo quy định, những nhà trọ này chủ yếu được ngăn ra từ nhà ở của các hộ gia đình, thường diện tích nhỏ không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc ở các huyện ngoại thành đường xá, điện nước chưa đảm bảo.
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng với Sở Xây dựng TP cũng có buổi khảo sát một số khu NLTCN và các khu nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn quận Thủ Đức và quận 7, TPHCM. Khảo sát tại 2 khu nhà trọ cho công nhân thuê do tư nhân xây dựng tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự đầu tư xây dựng của chủ nhà vì đã xây dựng được những khu nhà lưu trú tiện nghi, sạch sẽ và thoáng mát. Bà Huỳnh Thị Thành, chủ khu nhà trọ 19/1 đường 3 khu phố 3 phường Linh Trung quận Thủ Đức cho biết, khu nhà trọ của bà được xây dựng từ năm 2000 đến nay, có quy mô 24 phòng được xây dựng trên diện tích đất hơn 700m2. Trung bình khoảng 12m2/phòng, giá cho thuê trung bình 500.000 đồng/người/tháng, đã bao gồm tiền điện, nước. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Nghị định 188 về quản lý phát triển nhà ở xã hội đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê như: được vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm; được giảm thuế thu nhập cá nhân… Hiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 188 đã được hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Bà Nguyễn Tuyết Anh, chủ khu nhà trọ 37A đường 11 khu phố 3, phường Linh Trung quận Thủ Đức cho biết, nếu có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi và được sự hỗ trợ của địa phương thì sẵn sàng đầu tư xây dựng thêm để tăng quy mô khu nhà trọ, vừa giúp cho công nhân có nơi ở để an tâm làm việc, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù Nghị định 188 đã đưa ra nhiều cơ chế nhưng để phát triển mô hình này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và địa phương. “Nhu cầu về NLTCN rất lớn, thay vì nhà nước phải xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân ở thì nên huy động toàn xã hội tham gia” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
NHUNG NGUYỄN