Ngày 18-6, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi. Với tính chất quan trọng của dự luật, phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp cho nhân dân cả nước theo dõi. Đây cũng là vấn đề mà thời gian qua nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề này. Ông Trần Hoàng Ngân cho biết:
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1-6-2006. Như vậy từ đó đến nay đã 7 năm và việc thực hiện luật đã thu được một kết quả nhất định trong khâu tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhất là trong sử dụng tài sản chi tiêu công. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được hiệu quả, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong quản lý, khai thác, sử dụng, tài sản - vốn nhà nước, tài nguyên quốc gia. Theo tôi, những nơi và lĩnh vực có xác suất xảy ra lãng phí cao nhất là tài sản nhà nước (TSNN), chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm, lãng phí từ việc sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, lãng phí trong sử dụng tài nguyên quốc gia...
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn lãng phí trong sử dụng TSNN thể hiện như thế nào?
>> Ông TRẦN HOÀNG NGÂN: TSNN bao gồm nhà-đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại và các tài sản khác. Cho đến ngày 31-12-2012, tổng giá trị TSNN được tổng hợp cho thấy có trị giá 865.800 tỷ đồng, trong đó quyền sử dụng đất là 630.517 tỷ đồng, nhà là 182.559 tỷ đồng, ô tô các loại là 18.251 tỷ đồng… Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức đang quản lý là 2.168,4 triệu m2. Như vậy, TSNN là rất lớn, có giá trị cao nhưng theo báo cáo của Chính phủ mới đây cũng như thực tế đang diễn ra cho thấy, vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, hoặc khai thác không hết công năng, sai mục đích.
Trong thời gian qua, những hình ảnh về các kho bãi, nhà đất, TSNN để lãng phí đã gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Trong khi bệnh viện thì quá tải, trường học còn thiếu cần xây mới lại không có đất sạch để xây, rất đối lập với việc nhiều kho bãi, nhà đất thuộc các bộ ngành để hoang phí. Điều này đang khiến nhân dân rất bức xúc và chúng ta cần quyết liệt hơn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng TSNN.
- Nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí lớn nhất hiện nay chính là việc chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm?
Tôi cũng có quan điểm như vậy. Đây là khoản tiền rất lớn, chiếm 25% - 30% GDP. Cụ thể năm 2013, tổng chi ngân sách nhà nước theo dự toán là 978.000 tỷ đồng. Trong những năm vừa qua, hầu như như năm nào cũng chi vượt dự toán, nhiều khoản chi sai mục đích, sai quy định mà trong báo cáo kiểm toán nhà nước đã phản ánh rất rõ điều này. Nhức nhối nhất là lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mà vừa qua Quốc hội đã thảo luận rất rõ ràng trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Ông nhận định gì về tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn TSNN tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay?
Bên cạnh một số tập đoàn, tổng công ty, DNNN kinh doanh hiệu quả vẫn còn một số DNNN kinh doanh thua lỗ kéo dài, sử dụng vốn chưa hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài sản và vốn nhà nước rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng cần có quy định tỷ suất về lợi nhuận tối thiểu cho từng loại hình, lĩnh vực của DNNN, giúp sử dụng vốn hiệu quả hơn. Cho đến 31-12-2012, cả nước có 3.254 DNNN, trong đó 1.688 DNNN do Trung ương quản lý và 1.566 DNNN do địa phương quản lý. Trong số này có 1.550 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tổng nguồn vốn DNNN tính đến cuối năm 2011 là 5.132.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ước tính khoảng 1.159.000 tỷ đồng. Một nguồn vốn khổng lồ. Nếu sử dụng hiệu quả tôi tin rằng sẽ tiết kiệm được phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng nguồn thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Nhưng vấn đề đáng nói là hiện nay, chúng ta chưa có định mức rõ ràng về hoạt động, lời lỗ của DNNN nên dù hậu quả lãng phí là khủng khiếp nhưng chưa có ai bị xử lý về hành vi này cả.
Đó là chưa kể một sự lãng phí nhức nhối hiện nay là lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia, làm ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Hiện nay, cử tri và nhân dân cả nước đang rất bức xúc về việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc lộng hành, hay nạn khai thác cát diễn ra tràn lan ở các sông ngòi. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng phải sớm giải quyết các vấn nạn này, giữ gìn môi trường cho tương lai cũng như sự bình yên cho cuộc sống của người dân.
- Lãng phí gần như đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Vậy theo ông, việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí lần này cần thiết kế thế nào để ngăn chặn được sự lãng phí này?
Tôi cho rằng để ngăn chặn được sự lãng phí, lần sửa luật này phải bảo đảm bao quát được các lĩnh vực then chốt, nhạy cảm thường để xảy ra lãng phí như tôi đã trình bày ở trên. Thứ hai, phải có các chỉ tiêu định lượng, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp, định mức tiêu chuẩn chế độ trong việc sử dụng vốn, TSNN. Đồng thời phải bảo đảm chế độ công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến tài sản, vốn nhà nước, tài nguyên quốc gia, các tổ chức và cá nhân đang quản lý, sử dụng nguồn vốn - tài sản này. Ngoài ra, luật phải có các điều khoản liên quan đến chế tài, xử lý các trường hợp vi phạm luật, vì để xảy ra lãng phí, thất thoát nhiều khi còn nghiêm trọng hơn, gây hậu quả lớn hơn cả các hành vi tham nhũng như một số ý kiến ĐBQH đã phân tích.
- Theo ông, có nên quy định về cơ chế giám sát, tố giác hành vi lãng phí tương tự như cơ chế phòng chống tham nhũng?
Tôi cho là luật phải có điều khoản quy định cụ thể cơ chế giám sát, phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí tương tự cách chúng ta phòng chống tham nhũng. Cũng cần quy định cụ thể nơi tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin tố giác hành vi lãng phí. Ngoài ra, cần chỉ rõ các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
| |
LÂM NGUYÊN