Khi xem xét án kỷ luật nghề nghiệp đối với Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu - những cầu thủ U23 QG nhúng chàm tại SEA Games 23 - điều khó nhất chính là xử sao cho đúng người, đúng tội và mở đường cho họ trở lại bóng đá. Bởi đối với 6 cầu thủ vừa lĩnh án kỷ luật nghề nghiệp của VFF, bóng đá không chỉ là đam mê mà còn là nghề nghiệp duy nhất để trông cậy.
- Nặng hay nhẹ?
Với mức án treo giò 4 năm đối với Văn Quyến, Văn Trương và 3 năm đối với Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, nếu đặt vào tình cảnh của từng cầu thủ, đó là mức án… khá nặng. Nhất là cả 6 cầu thủ này đã bị treo giò suốt 1 năm rưỡi qua, sau khi vụ bán độ tại SEA Games 23 bị phát hiện.

Sau bản án của tòa án, giờ đến lúc các cầu thủ U23VN phải nhận án treo giò của VFF. Ảnh: Dũng Phương
Tuy nhiên, xét trên thực tế và tiền lệ một số án kỷ luật của bóng đá Việt Nam trước đây, bản án kỷ luật nghề nghiệp này đã có sự khoan hồng và tính cả đến những cống hiến của 6 cầu thủ trên. Có thể tạm so sánh với mức kỷ luật nghề nghiệp của Văn Quyến và đồng đội sắp phải gánh chịu với mức án kỷ luật treo giò đối với trung vệ Vũ Như Thành.
Cần phân biệt rạch ròi rằng, Vũ Như Thành bị xử treo giò 5 năm dù thời điểm ấy, vụ bán độ của U23 VN tại JVC Cup 2003 mới chỉ dừng lại ở mức “nghi án”. Trong khi đó, 6 cầu thủ U23 VN “nhúng chàm” tại SEA Games 23 đều đã trở thành bị can ở một vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc, và đã phải chịu xử lý hình sự.
Nghĩa là vụ việc đã thành án, do đó án treo giò 4 năm (hoặc 3 năm) của VFF cộng thêm cả thời gian 1 năm rưỡi tạm đình chỉ thi đấu trước đó có thể xem là… nhẹ!
- Khó mơ đi “tây” đá bóng!
Vấn đề khác biệt giữa án treo giò của VFF đối với Vũ Như Thành hay Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng và án kỷ luật nghề nghiệp mà Văn Quyến và đồng đội sắp gánh chịu ở chỗ: 6 cầu thủ U23 VN bán độ tại SEA Games 23 bị bịt kín cửa chơi bóng khi nhận án kỷ luật của VFF.
Bởi trong khi Trung Tuấn, Việt Thắng dù bị VFF treo giò vẫn có thể sang Thái Lan, Bồ Đào Nha thi đấu để duy trì phong độ thì khả năng này gần như không xảy ra đối với Văn Quyến và đồng đội.
Một chuyên gia phụ trách pháp lý của VFF cho biết, án treo giò của VFF đối với Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu chỉ có tác dụng trong phạm vi các hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam.
Song, do vụ tiêu cực xảy ra ở một giải quốc tế uy tín và 6 cầu thủ này đã bị xử lý hình sự vì hành vi tiêu cực trên nên VFF buộc phải báo cáo FIFA. Do đó, ngay cả khi VFF “thông thoáng”, tạo điều kiện cấp giấy chuyển nhượng quốc tế ITC thì 6 cầu thủ trên cũng chưa chắc được thi đấu, bởi gần như FIFA sẽ chuẩn y án kỷ luật của VFF. Nghĩa là án kỷ luật sẽ được điều chỉnh trên phạm vi quốc tế.
- Tu dưỡng và... chờ
Ở góc độ pháp lý, án treo giò đối với Văn Quyến và đồng đội thực sự là khắc nghiệt và kín kẽ. Song, nếu tinh ý xem xét thì rõ ràng, mức kỷ luật nghề nghiệp này đã có độ mở để tạo đường cho 6 cầu thủ này có thể quay lại sân cỏ.
Thực tế trước khi họp và đưa ra án phạt trên, Trưởng Ban kỷ luật của VFF Nguyễn Hải Hường đã tuyên bố, VFF đã tính sẵn lộ trình… giảm án cho những cầu thủ “nhúng chàm” biết hối cải và tu dưỡng tốt. Quy chế bóng chuyên nghiệp của VFF cũng đã ghi rõ, có thể VFF sẽ xem xét giảm án cho cầu thủ tùy vào mức độ tu dưỡng đạo đức.
Nếu nhìn vào gương của Như Thành, Trung Tuấn, Việt Thắng (được giảm án một nửa) thì hẳn là Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu không phải đã hết “cửa” trở lại bóng đá.
Vấn đề bây giờ là họ có kiên nhẫn bám trụ với bóng đá, đặc biệt là biết tu dưỡng và… chờ đợi ánh sáng cuối đường hầm trở lại hay không!
Gia Minh
Ý kiến người trong cuộc Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Khó xử nhẹ hơn” Đó là quan điểm của cá nhân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bộc bạch với phóng viên SGGP Thể thao vào chiều qua (19-3). Ông Hỷ nói: “Thực tế mức kỷ luật trên là do Hội đồng kỷ luật của VFF xem xét và quyết định hoàn toàn độc lập. Không có chuyện có ý kiến của Thường trực VFF hay cá nhân Chủ tịch VFF xen vào việc xử phạt. Song, do đây là những án phạt đặc biệt nên Thường trực VFF phải xem xét rồi mới thông qua để án kỷ luật nghề nghiệp có hiệu lực. Đứng ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng khó xử nhẹ hơn cho 6 cầu thủ nhúng chàm này được”. Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, khi VFF chuẩn bị việc xem xét kỷ luật nghề nghiệp các cầu thủ nhúng chàm tại SEA Games 23, VFF đã chịu rất nhiều sức ép. “Tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các đội”, ông Hỷ nói, “Đà Nẵng muốn Quốc Anh, Phước Vĩnh được treo giò nhẹ, có thể trở lại sân cỏ đá ngay tại… SEA Games 24. Hay SLNA muốn Văn Quyến có thể quay lại ở V-League 2008… Cũng theo ông Hỷ, án kỷ luật đối với các cầu thủ trên không cố định mà VFF cũng rộng lòng mở đường cho họ trở lại sân cỏ. Tuy nhiên, những cầu thủ này phải thể hiện được sự tu dưỡng, đoái công chuộc tội mới được xem xét giảm án. NGỌC LINH Phạm Văn Quyến: Em thật bất ngờ vì dự định ngày 20-3 sẽ gửi đơn ra LĐBĐVN để các bác lãnh đạo có hướng cứu xét cho bọn em sớm có cơ hội trở lại sân cỏ, hầu chuộc lại lỗi lầm. Tuy nhiên, ngay buổi sáng đã có thông tin về việc LĐBĐVN ra quyết định treo giò em và Văn Trương nặng nhất với 4 năm, nên cảm thấy bất ngờ và bối rối quá. Lê Văn Trương: Em vừa nghe Quyến gọi điện báo tin này vào sáng nay, chẳng hiểu sao bọn em lại bị treo giò lâu hơn nhỉ? Mấy bữa nay em cũng tập chút chút cho khỏe, vì chẳng biết còn cơ hội để quay lại sân cỏ không. Em nản quá, chẳng biết nói sao vì lỗi cũng do mình gây ra thì phải chịu. Chắc phải kiếm việc gì làm, mà nói thiệt cũng chẳng biết làm gì và ai sẽ thuê những đứa như bọn em? Còn có cửa nào cho bọn em quay lại sân cỏ không anh? Nghe thông tin là ngoài treo giò bọn em còn phải bị đóng phạt 5 triệu đồng nữa, chẳng biết lấy tiền đâu để đóng nữa đây. Châu Lê Phước Vĩnh: Em cũng vừa biết được thông tin cho các anh bên báo gọi cho biết. Mấy bữa nay em vẫn tập chạy và đá chầu với mọi người cho vui và cũng là để giữ phong độ, nhưng hình phạt treo giò 3 năm không biết tụi em còn có thể đá tốt như trước? Mấy bữa nay ở nhà cứ đi ra, đi vào nên cứ nghỉ quanh quẩn và càng buồn hơn khi thấy cuối tuần các đồng đội thi đấu trên sân. T.TH (ghi) |