Công trình đòn bẩy
Bà Trịnh Thục Lam (41 tuổi, quận Bình Thạnh) vừa cùng nhóm 15 tình nguyện viên đến tặng quà cho người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ít khi có dịp tới Cần Giờ, nhóm dự tính nhân dịp này sẽ ra biển Cần Giờ vui chơi. Nhưng khi bà tìm hiểu, mới hay biển Cần Giờ không tắm được, nên hành trình của cả nhóm phải rút ngắn lại. Một điều đáng suy nghĩ, cũng từ thông tin chuyến đi, nhiều người trong nhóm - có người sinh ra ở TPHCM, bây giờ mới biết là Cần Giờ... có biển.
TPHCM là một đô thị lớn với trên 10 triệu dân, có điểm nhấn khác biệt với các đô thị khác, khi TPHCM vừa có biển, vừa có rừng (là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới). Tuy nhiên, tài nguyên hiếm như biển Cần Giờ lại chưa được khai thác tương ứng với giá trị tiềm năng. Trong một khảo sát của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, chỉ có 40% người dân TPHCM biết thành phố có biển. Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, biển và rừng ngập mặn là nét khác biệt dễ dàng thu hút du khách từ các quận huyện khác của TPHCM và các du khách từ nơi khác đến TPHCM. Tuy nhiên, để phát triển Cần Giờ trở thành một trụ cột du lịch và trung tâm kinh tế biển của TPHCM thì nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất là phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ đường bộ lẫn đường thủy kết nối với Cần Giờ.
Là một người dân địa phương, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Thạnh An) chia sẻ, ông và nhiều người dân khác của huyện rất phấn khởi khi hay tin Trung ương và TPHCM thực hiện một số dự án chiến lược tại địa phương như cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. “5 năm tới, khi các dự án đầu tư chiến lược được TPHCM tổ chức thực hiện sẽ tạo động lực thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh hơn”, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đánh giá.
Các dự án lớn đó là Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, cầu Cần Giờ, nâng cấp đường Rừng Sác, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu… Trong đó, dự án xây dựng cầu Cần Giờ được xem là công trình đột phá quan trọng, sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển huyện Cần Giờ. Tương tự, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có mục tiêu xây dựng thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Với những đại công trình trên thì du khách có thể đến Cần Giờ thuận tiện hơn và vừa ngắm rừng, vừa tắm biển, sử dụng nhiều sản phẩm du lịch hơn, ở lại Cần Giờ lâu hơn. Đồng nghĩa, du lịch và thương mại Cần Giờ càng sôi động hơn với khát vọng Cần Giờ phát triển.
Chuyển mình vươn lên
Trong thời gian chờ các dự án trọng điểm trên địa bàn hình thành, Đảng bộ, chính quyền và người dân Cần Giờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp, nâng cao đời sống cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng chia sẻ, 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng trưởng hàng năm của huyện đạt 13%/năm. Trong đó, hoạt động du lịch ở huyện có bước phát triển nhanh. Hàng năm, lượng du khách tăng bình quân 31,4% và doanh thu du lịch tăng bình quân 45,2%. Kết quả này đến từ việc khai thác được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên về rừng, biển và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát triển các tour du lịch và có nhãn hiệu các sản phẩm đặc trưng (xoài cát, khô cá dứa, yến sào). Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tiếp tục khai thác hợp lý, hiệu quả cảnh quan thiên nhiên và xây dựng các điểm du lịch hấp dẫn, đặc thù, nhằm thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, 5 năm qua, huyện có các giải pháp nâng cao đời sống người dân, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, toàn huyện có 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa theo chuẩn nông thôn mới. Các trường học, bệnh viện, các cơ sở văn hóa, dạy nghề... cũng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, cơ bản giải quyết được các nhu cầu của người dân. Đặc biệt, Bệnh viện Huyện Cần Giờ trước đây được người dân gọi là “bệnh viện... kính chuyển”, vì không điều trị được các ca bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên, nhưng giờ đây huyện đã đầu tư hiện đại và có khả năng điều trị tại chỗ. Cụ thể, bệnh viện mới hoạt động cuối năm 2018 có 200 giường bệnh cùng trang thiết bị y tế hiện đại như hệ thống nội soi phẫu thuật, hệ thống chẩn đoán hình ảnh cao cấp, hệ thống máy CT-scan, hệ thống xét nghiệm.
Ông PHAN CÔNG BẰNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM: Kết nối đến Cần Giờ sẽ thuận lợi hơn Kết nối giao thông chính hiện nay từ trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ chủ yếu bằng đường bộ qua phà Bình Khánh và đường Rừng Sác, trong đó đường Rừng Sác đã được mở rộng lên 6 làn xe. Ngoài ra còn có một số tuyến đường thủy từ bến Bạch Đằng đến Cần Giờ. Về dự án cầu Cần Giờ, phương án kiến trúc công trình cầu đã dược UBND TPHCM duyệt vào năm 2019. Thành phố đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tương tự, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, giai đoạn 1 có 4 làn xe đang được triển khai thi công, đạt khối lượng khoảng 70%. Hiện nay, TPHCM đang nghiên cứu phương án kết nối tuyến cao tốc này với huyện Cần Giờ. Như vậy, các dự án trên sau khi hoàn thành thì việc đi lại đến huyện Cần Giờ sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn. Điều này sẽ tạo đà phát triển cho huyện Cần Giờ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Ông LÊ MINH DŨNG, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ: Mong triển khai nhanh dự án Giai đoạn 2020-2025, huyện Cần Giờ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và biển. Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TPHCM có rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong xu hướng phát triển huyện Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí thì nhiệm vụ quan trọng của huyện là tiếp tục giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển. Theo kế hoạch, 5 năm tới, huyện Cần Giờ được Trung ương, TPHCM quan tâm, tăng cường đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển. Điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/5000 trên địa bàn huyện có tính chất định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội huyện. Để có cơ sở triển khai thực hiện các dự án, huyện mong sớm được Trung ương thông qua điều chỉnh quy hoạch chung của huyện. Huyện Cần Giờ cũng mong muốn Trung ương và TPHCM có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án. Ông NGUYỄN MINH MẪN, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist: Phát triển du lịch tuân thủ yêu cầu về sinh thái, bảo tồn Phát triển Cần Giờ theo định hướng du lịch sinh thái là hoàn toàn phù hợp xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên để du lịch Cần Giờ phát triển cần phải khai thác trên cơ sở bền vững, xây dựng cộng đồng du lịch tại chỗ, người dân địa phương cùng chung tay làm du lịch và bảo vệ môi trường. Do đó, TPHCM và huyện Cần Giờ cần có giải pháp nâng cao giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đối với cộng đồng du lịch địa phương (người có quyền lợi trực tiếp) để họ thực sự là chủ nhân, sẵn sàng gắn bó nhiều thế hệ với rừng, bảo vệ sinh thái rừng. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lấy ý kiến xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch tuân thủ yêu cầu về sinh thái, bảo tồn. Việc này nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa giữ được mảng xanh vô cùng quý giá của thành phố. MẠNH HÒA - GIA HÂN ghi |