LTS: Hành vi của em Bùi Minh Trí đã được Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông Vĩnh Long Nguyễn Thới Bình kết luận: Trí đã vi phạm điểm G và điểm K, khoản 5, Điều 41 Nghị định 55 của Chính phủ về hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác và làm biến dạng trang web. Về cơ bản Bùi Minh Trí sẽ chịu hình thức xử phạt hành chính 10 triệu đồng – khung phạt thấp nhất theo quy định.
Đến đây, vấn đề đặt ra là: trong thời buổi bùng nổ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, ... như hiện nay, thì mức xử lý đối với những kẻ cố ý xâm nhập hệ thống mạng trái phép mà nhận mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (theo quy định tại Điều 41 Nghị định 55/NĐ-CP) là nhẹ hay nặng?.
Bạn đọc Tường Kim có gửi đến chúng tôi ý kiến rằng, để có tác dụng răn đe mạnh hơn, cần điều chỉnh mức phạt xử lý vi phạm hành chánh với biên độ rộng hơn (ví dụ từ 10 triệu đến 100 triệu đồng) và pháp luật cũng cần có những điều khoản cụ thể xử lý hình sự đối với những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc gần xa thảo luận xung quanh nội dung làm thế nào để thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở nước ta. Xin cảm ơn.
Báo SGGP Online
* Cần một kết luận chính thức cuối cùng
Trước những thông tin trái chiều, cần thiết các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng. Cần có một phát ngôn chính thức từ Phòng Đấu tranh và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C15).
Những thông tin mà ông Nguyễn Tử Quảng cung cấp, như khẳng định từ đầu bài viết là “với tư cách người trực tiếp tham gia, điều tra và đã có sự trao đổi thống nhất với C15” thì đây rõ ràng không phải là thông tin không có căn cứ. Nhưng thông tin “động trời” về “dấu hiệu Bùi Minh Trí mua bán trên mạng với số tiền hàng ngàn USD” chỉ “để bạn đọc có những cách nhìn và đánh giá chính xác hơn về sự việc” thì chúng tôi thấy vẫn chưa ổn.
Chúng tôi cần một phát ngôn chính thức từ cơ quan điều tra, một kết luận cuối cùng từ Bộ GD-ĐT. Tất cả vì một mục đích duy nhất: Bùi Minh Trí - một học sinh, với những hành động sai phạm của một người trẻ tuổi - được người lớn, nhà nước “phán quyết” cuối cùng ra sao.
Còn việc “khinh bỉ” hay “bênh vực” thì hãy cứ để cho xã hội đánh giá, phán xét. Không thể vì lý do này hay lý do khác mà “chụp mũ” hay “dẫn dắt” tình cảm và lý trí của xã hội theo mong muốn, lợi ích chủ quan của riêng ai cả.
Hoàng Ngọc Lữ (P.Cát Lái-Q2-TPHCM)
hoangngoclu@gmail.com
Phải chấn chỉnh ngay môn giáo dục pháp luật trong nhà trường. Trong đó vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng viễn thông phải được coi là tội phạm, là hành động phá hoại cũng như khi xảy ra sóng thần kiểm tra giáo trình từ lớp 1 đến lớp 12 không có bài nào nói về sóng thần cả. Chính đây cũng là lỗ hổng của chúng ta.
Vũ Ngọc Giang
vndgiang@yahoo.com.vn
*Việc bảo vệ an ninh Internet, Thứ trưởng Bộ BC-VT Vũ Đức Đam:
Sẽ làm đồng bộ và xử lý sai phạm triệt để
Thời gian qua đã xảy ra liên tiếp các vụ hacker tấn công các trang web và báo điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xử lý các hacker vẫn chưa quyết liệt và thiếu sức răn đe, phòng ngừa. Chiều 5-1, Phóng viên Trần Lưu của báo SGGP đã có có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BC-VT, nội dung như sau:
- Phóng viên: Đề nghị Thứ trưởng cho biết ý kiến về việc bảo vệ an ninh Internet trong năm qua?
Thứ trưởng VŨ ĐỨC ĐAM: Vấn đề an ninh, an toàn mạng đã trở thành điểm nóng thời gian qua. Và tôi tin chắc rằng đây cũng là một vấn đề rất được quan tâm trong năm 2007. Điều quan trọng là chúng ta chưa làm quyết liệt. Chính vì vậy, năm 2007, chuyện an toàn và an ninh mạng sẽ thực hiện một cách đồng bộ và xử lý quyết liệt.
- Cụ thể là gì, thưa thứ trưởng?
Năm 2006, Chính phủ đã cho phép Bộ BC-VT thành lập Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT). VNCERT đã hình thành một mạng lưới giữa các cơ quan bộ ngành, kể cả các doanh nghiệp để thực hiện một chương trình hành động, phương án xử lý khi có các sự cố như các vụ hacker vừa qua.
Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo Bộ BC-VT, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu thành lập cơ quan chống tội phạm trên mạng. Đồng thời, Bộ BC-VT sẽ làm đầu mối để xác định lại những văn bản pháp quy nào cần phải điều chỉnh, bổ sung để thực hiện tốt nhất vấn đề đảm bảo an toàn và an ninh mạng ở nước ta.
Nhiều hacker đã bị chỉ đích danh, nhưng chỉ có thể áp dụng khung hình phạt hành chính 10-20 triệu đồng. Liệu có cần những hình phạt cao hơn không, thậm chí cả việc xử lý hình sự…?
Đây là một vấn đề mà rất nhiều nước trên thế giới - kể cả Mỹ - đã và đang gặp phải. Lý do là diễn biến phát triển của CNTT và Internet quá phong phú và đa dạng mà khuôn khổ pháp lý không bao gồm hết được. Chính vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu để điều chỉnh.
Tức là sẽ có những điều chỉnh về văn bản pháp luật, nhằm xử lý quyết liệt, triệt để hơn đối với những vụ việc liên quan đến an toàn và an ninh mạng. Thời gian tới chắc chắn sẽ có những khung hình phạt và mức độ xử lý cao hơn, thích đáng hơn đối với các đối tượng hacker so với hiện nay.
- Xin cảm ơn thứ trưởng!
TRẦN LƯU (thực hiện)
* Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính khẩn cấp Việt Nam (VNCERT), Bộ BC-VT:
Mở kênh liên lạc trực tiếp phối hợp xử lý sự cố
Chúng tôi thường xuyên thực hiện việc cảnh báo nguy cơ bị tấn công đối với các trang web cũng như các tờ báo điện tử trong những thời điểm nguy cơ bị tấn công cao.
Trung tâm này luôn có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện việc ngăn chặn và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công, cũng như hậu quả sự cố.
Nếu nhận được những thông tin về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất thông tin từ các trang web, chúng tôi cũng tiến hành thông báo cho cơ quan chủ quản biết và khi được yêu cầu, sẽ cùng phối hợp khắc phục.
Trong trường hợp khẩn cấp, nghiêm trọng, VNCERT sẽ cử các chuyên gia đến ngay hiện trường để khắc phục sự cố. Đối với các sự cố bị hacker tấn công mạng, cơ quan chủ quản cần thông báo nhanh với chúng tôi, càng đầy đủ thông tin sự cố càng tốt, qua đó chúng tôi sẽ đánh giá đúng mức tính chất vụ việc và tư vấn họ cách khắc phục sự cố.
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng và sẽ sớm đưa vào hoạt động 1 kênh liên lạc trực tiếp, để có thể thông tin về các sự cố này một cách toàn diện và sớm nhất. Từ đó có thể xử lý mọi sự cố nhanh nhất và hiệu quả nhất.
--------------------
Vụ việc đang được dư luận hết sức quan tâm, bởi lẽ đối tượng phạm tội đã lại để lại tên tuổi, địa chỉ và cả hình ảnh của mình cho người khác biết.
Vì thế việc xâm nhập mạng trái phép của Bùi Minh Trí phải được người lớn xem xét dưới các góc độ như: Tại sao xâm nhập? Xâm nhập để làm gì ? Nếu thật sự Trí đã cảnh báo mà những người có trách nhiệm không để ý thì người quản trị mạng chẳng lẽ không bị ảnh hưởng gì hay sao?
Nếu đã giải quyết được rõ ràng các vấn đề đó thì việc xử lý phạt 10 triệu đồng không còn là việc nặng hay nhẹ nữa (bởi dư luận có nhiều người sẵn sàng hổ trợ cho Trí nộp phạt với số tiền lớn hơn cơ mà !!!).
Về khía cạnh đạo đức, tôi đề nghị cho Trí ở lại lớp, bởi đã có thái độ vô lễ đối với người thầy trên cương vị lãnh đạo.
Nguyễn Phước Thọ (TPHCM)
nguyenphuoctttho@yahoo.com.vn
Sai phạm thì phải bị xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để người bị xử lý và dư luận chấp nhận là việc khác.
Theo tôi, trường hợp em Trí xử lý cảnh cáo và phạt 10 triệu đồng là hợp lý. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cấn phải xử lý cả những người thiếu trách nhiệm dẫn đến việc em Trí vi phạm. Những người đó cần bị xử lý nặng hơn em Trí nhiều lần.
Tran Duy Linh
duylinh1603@yahoo.com
Trường hợp em Bùi Minh Trí - là trường hợp đầu tiên, cá biệt. Thủ phạm là học sinh chuẩn bị thi hết cấp và vào đại học, trình độ hiểu biết về pháp luật còn thiếu, cơ quan pháp luật đã xử lý rất có lý, có tình. Nên mức phạt 10 triệu cảnh báo như vậy cũng tạm chấp nhận được.
Nhưng với khung hình phạt hacker xâm nhập trang web, chỉ phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, theo tôi là quá nhẹ. Cần nghiên cứu bổ sung thêm khung hình phạt. Vì trong thời đại thông tin hiện nay, website chính là bộ mặt của doanh nghiệp, là nơi giao dịch hàng ngày. Mọi hành động hacker sẽ mang lại tổn thất lớn cho các đơn vị.
Hồ Minh Hoàng
hoangbtt2003@yahoo.com
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:
Cần giúp Bùi Minh Trí có nghị lực vươn lên
Chiều 11-1, trong chuyến công tác tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường 1, thị xã Vĩnh Long) và làm việc với các ban ngành liên quan xung quanh vụ học sinh Bùi Minh Trí xâm nhập trang web của Bộ GD-ĐT vừa qua.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: Việc làm của em Trí là sai phạm nhưng sau khi xảy ra sự việc, em đã nhanh chóng khai báo với cơ quan điều tra, tỏ ý hối hận về hành vi của mình trước thầy cô và tập thể học sinh; đã viết thư xin lỗi thầy Bộ trưởng và cam kết sẽ không tái phạm; cố gắng học hành.
Cha mẹ em Trí cũng nhận lỗi ít quan tâm đến việc giáo dục con cái, đặc biệt thiếu hiểu biết trong tin học nên để em Trí phạm lỗi. Cùng với ý kiến của lãnh đạo trường, lần lượt đại diện của chủ tịch hội phụ huynh học sinh, bí thư đoàn trường cùng đông đảo các em học sinh khối 12 của trường đồng tình xin Bộ trưởng tha thứ cho hành động nông nổi của Trí.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sai phạm của Trí đối với cá nhân Bộ trưởng không quan trọng, nhưng quan trọng là đã xâm phạm đến trang web của Bộ GD-ĐT, xâm phạm đến hơn 1 triệu giáo viên.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trí đã có lỗi với thầy cô giáo, trước mắt là có lỗi với nhà trường, nơi đào tạo mình thành một công dân tốt sau này. Lỗi của Trí đáng bị kỷ luật, tuy nhiên tất cả chúng ta phải tạo điều kiện cho Trí có nghị lực vươn lên chứ không để Trí bị bế tắc”.
Ngày 11-1, Cục CSĐT tội phạm kinh tế (C15 – Bộ Công an) đã có kết luận về vụ việc Bùi Minh Trí tấn công website của Bộ GD-ĐT. Kết quả, Bùi Minh Trí đã có hành vi cố ý tấn công một số website, phá hoại dữ liệu và cài virus vào máy chủ của Trung tâm Tin học của Bộ GD-ĐT.
Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định 55/CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng internet. Bùi Minh Trí đã có hành vi cố ý tấn công website http://www.moet.gov.vn thông qua lỗ hổng SQL của phần mềm và truy cập bất hợp pháp, làm thay đổi và hủy hoại dữ liệu; cố ý cài virus vào máy chủ của trung tâm, tạo ra một tên Guanyu (vào lúc 15 giờ 59 phút ngày 27-11-2006) để “ghi dấu”, gây ảnh hưởng tới uy tín của bộ.
Ngoài ra, Bùi Minh Trí đã tấn công, phá hoại một số trang web khác như vnmedia.vn và hssv.vnn.vn và cài đặt các virus ăn cắp dữ liệu vào máy chủ. Cục CSĐT tội phạm kinh tế cho rằng hành vi của Bùi Minh Trí cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
T.M.T – C.Q - Hg.L - Tr.B
Mời các bạn click vào đây để xem các ý kiến thảo luận đã đăng trước ngày 6-1