Cần hạ nhiệt

Báo cáo đưa ra ngày 12-8 của Mạng lãnh đạo châu Âu (ELN), cơ quan nghiên cứu khu vực, kêu gọi Nga và khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần tiếp xúc nhiều hơn và minh bạch hơn về các hoạt động quân sự.

ELN gồm nhiều chuyên gia quân sự, trong đó có cả các cựu bộ trưởng quốc phòng và cựu quan chức từ châu Âu và Nga. ELN cho biết, Nga và NATO tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngày càng lớn như thể chuẩn bị cho một cuộc xung đột. Điều này càng tăng khả năng đụng độ giữa hai bên.

Thống kê của ELN cho thấy, NATO lên kế hoạch 270 cuộc tập trận trong năm 2015 trong khi Nga cũng lên kế hoạch 4.000 cuộc tập trận ở tất cả các cấp. Báo cáo của ELN phân tích hai cuộc tập trận gần đây. Nga - với cuộc tập trận hồi tháng 3 có sự góp mặt của 80.000 quân nhân từ các căn cứ trên khắp đất nước. NATO - với cuộc tập trận Lá chắn trong tháng 6 tập hợp các binh chủng không quân, lục quân và hải quân với 15.000 quân nhân từ 22 quốc gia. Theo ELN, cả hai cuộc tập trận cho thấy mỗi bên đều chuẩn bị đối phó với bên kia và xem như chiến tranh là điều khó tránh khỏi.

Thật vậy, cuộc tập trận của Nga nói trên với giả định chiến tranh bắt đầu ở phía Bắc và lây lan trên toàn liên bang với cuộc xung đột leo thang nhanh chóng. Quân đội đã được triển khai để củng cố các khu vực xa trung tâm dễ bị tổn thương như bán đảo Kola, các hòn đảo ở Bắc cực, những vùng như Kaliningrad, Crimea và các đảo Thái Bình Dương ở phía Bắc Sakhalin.

Cuộc tập trận của NATO bắt đầu với hải quân ở vùng biển Baltic giáp Nga tập trung vào các hoạt động đổ bộ ở Thụy Điển và Ba Lan và lực lượng lục quân, không quân tập trung vào Ba Lan cùng các nước vùng Baltic với giả định Nga tấn công các nước này.

“Các cuộc tập trận như đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông Lukasz Kulesa, một trong các tác giả của báo cáo cho biết. Theo ông, từ đó, làm tăng thêm lo lắng trong các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Ông Kulesa còn cho rằng, ngay cả khi chưa xảy ra chiến tranh thì những cuộc tập trận làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố quân sự ngoài ý muốn, chẳng hạn như một vụ va chạm giữa hai máy bay chiến đấu của hai bên dẫn tới bờ vực chiến tranh. Ông Pavel Felgenhauer, nhà phân tích quân sự độc lập có trụ sở tại Mátxcơva cho rằng, việc thiếu thông tin liên lạc giữa hai bên và quan hệ ngoại giao căng thẳng hiện nay làm dễ phát sinh cuộc xung đột nhỏ và có thể nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến quy mô lớn. Cùng với các cuộc tập trận, việc NATO tăng cường viện trợ và huấn luyện cho quân đội Ukraine cũng như các nước vùng Baltic được Nga xem là động thái khiêu khích chống Nga.

Các chuyên gia của ELN cho rằng, điều cần thiết là cả Nga và NATO phải giảm quy mô tập trận và xúc tiến một hiệp ước mới hạn chế các loại vũ khí triển khai dọc biên giới. Ngoài ra, phải tăng cường truyền thông liên quan đến tiến độ của các cuộc tập trận và hai bên nên sử dụng tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) để thông báo chi tiết các cuộc tập trận. ELN bày tỏ hy vọng rằng, nếu Nga hay NATO quyết định muốn giảm bớt căng thẳng, họ sẽ hạn chế quy mô tập trận. Và đó sẽ là một khởi đầu tốt.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục