Vấn đề trên đã được đồng chí Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, thẳng thắn đặt ra trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” ngày 5-8, do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện.
Nhiều cơ sở hoạt động biến tướng, trá hình
Dù cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần ra quân kiểm tra xử lý, kết hợp các biện pháp như quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, gắn camera giám sát, tước giấy phép kinh doanh với các cơ sở vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng tổ chức mua bán dâm. Thế nhưng, việc kinh doanh trá hình, núp bóng hoạt động karaoke, khách sạn, vũ trường đang dần biến tướng, ngày càng tinh vi, hòng qua mặt các cơ quan chức năng. Thậm chí sau khi bị xử phạt, các cơ sở này vẫn vi phạm, tiếp tục hoạt động bằng cách thay tên đổi chủ.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, lực lượng kiểm tra ngoài 2 đoàn kiểm tra liên ngành của TP (do Sở VH-TT và Sở LĐTB-XH làm trưởng đoàn) còn có thanh tra chuyên ngành, các đội kiểm tra liên ngành quận - huyện, các tổ kiểm tra liên ngành ở phường - xã thời gian qua đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trong 7 tháng đầu năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở VH-TT TP đã tiến hành kiểm tra và tham mưu UBND TP xử phạt gần 5 tỷ đồng. Trong 2 tháng 5 và 6-2018, tổ kiểm tra liên ngành Sở VH-TT và các sở ngành TP đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở dễ phát sinh tệ nạn trên địa bàn quận 1, quận 5 và phát hiện hàng loạt sai phạm. Các cơ sở này đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng thực chất là hoạt động karaoke không phép, ngành nghề đăng ký là spa, day ấn huyệt cổ truyền thì thực ra là massage, xông hơi xoa bóp, có nhiều tiếp viên nữ trong phòng karaoke, vũ trường hoạt động quá giờ quy định. Nhiều cơ sở là nhà ở nhưng tự ý chuyển đổi công năng sang kinh doanh nhà hàng, karaoke, không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.
Thống kê của Sở VH-TT TPHCM, hiện TP có khoảng 1.268 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, dễ phát sinh tệ nạn, chiếm hơn 5% trong số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Cụ thể, kinh doanh vũ trường, bar, beer club có 172 cơ sở (có phép: 155, không phép: 17); kinh doanh karaoke có 478 cơ sở (có phép: 344, không phép: 134); kinh doanh thu âm trên nền nhạc, nhà hàng có tiếp viên nữ biến tướng, có phục vụ khách hát karaoke: 618 cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, việc kiểm tra ở địa bàn quận trung tâm có tăng cường, nhưng biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe. Các vi phạm, cụ thể là kinh doanh karaoke không phép, kinh doanh hàng nhập lậu, biểu diễn nghệ thuật không phép, sử dụng bản ghi âm vi phạm bản quyền, sử dụng ma túy, độ rung, độ ồn. Như vụ nhà hàng Dmax ở số 9A đường Tôn Thất Tùng, trước đó các cơ quan chức năng đã ban hành 33 quyết định xử phạt hành chính số tiền gần 500 triệu đồng. Sau khi bị đóng cửa 2 tuần, cơ sở này đổi chủ mới và tiếp tục hoạt động.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, TP có khoảng 20.399 DN đăng ký kinh doanh dịch vụ, trong tổng số 355.526 DN được cấp chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (tỷ lệ hơn 5%). Khi cấp phép, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường… thì có văn bản hỏi Sở VH-TT TP; nếu là kinh doanh xông hơi, xoa bóp, massage thì hỏi Sở Y tế TP. Trên ý kiến chấp thuận của các sở, trong 3 ngày làm việc, Sở KH-ĐT sẽ cấp giấy đăng ký kinh doanh. Về cơ chế hậu kiểm, sở có thông báo về địa phương, khi thanh tra, kiểm tra nếu DN có vi phạm thì sẽ tước giấy phép, còn lại hầu hết do địa phương quản lý.
Chia sẻ về nỗ lực giải quyết dứt điểm loại hình game máy bắn cá trên địa bàn, ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết: Thực tế tại địa phương, nhiều cơ sở lợi dụng kinh doanh game bắn cá để đánh bạc trái phép, làm mất an ninh trật tự, huyện đã chỉ đạo quyết liệt vào cuộc. Qua rà soát, huyện có 43 điểm kinh doanh với 157 máy bắn cá. Các đội kiểm tra liên ngành của huyện, phường - xã - thị trấn cùng vào cuộc phối hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở chuyển đổi ngành nghề, vận động chủ nhà không cho thuê mặt bằng. “Gần 4 tháng triển khai quyết liệt, hoạt động kinh doanh game bắn cá ngưng hoàn toàn và đang được kiểm tra tốt”, ông Hòa khẳng định.
Ngày 6-6-2018, TP ra quyết định tăng cường xử lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn, trong đó, quy trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chủ tịch quận - huyện, phường - xã, trưởng công an địa phương để xảy ra vi phạm. Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, ghi nhận những kết quả bước đầu trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, đồng thời cho biết HĐND TP sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, xem xét sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế; HĐND cũng đề nghị sớm hoàn thành và công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM vào năm 2019.