Cần khung pháp lý cho sàn giao dịch vận tải hàng hóa

Trong khi cơ cấu thị phần vận tải còn nhiều bất cập thì ngành giao thông lại để cho một vấn đề nữa kéo dài dai dẳng, bào mòn sức cạnh tranh của hàng Việt, đó là tỷ lệ xe tải chở hàng hóa chạy chiều rỗng về vẫn ở mức 60%-70%. Con số này hầu như không suy suyển sau 5 năm Bộ GTVT triển khai thí điểm sàn giao dịch vận tải, một công cụ mới được kỳ vọng sẽ kéo giảm tỷ lệ xe chạy rỗng xuống 30%-40%. Câu hỏi đặt ra là, vì sao sàn giao dịch vận tải lại chết yểu trong khi các doanh nghiệp vận tải, các chủ hàng vẫn vật vã đi tìm nhau?

Được khai trương rầm rộ vào năm 2015, sàn giao dịch vận tải đầu tiên Vinatrucking với sự “hậu thuẫn” của Bộ GTVT từng nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng khách hàng giao dịch qua sàn rất thấp, kinh doanh không hiệu quả, đến năm 2017, sàn giao dịch này đã phải ngưng hoạt động trong tiếc nuối. 

Một sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa khác cũng khá đình đám khi được cấp phép hoạt động vào năm 2016 là sanvanchuyen.vn. Thế nhưng, theo số liệu cập nhật mới nhất, sàn giao dịch này đang có 805 công ty vận tải đăng ký, số giao dịch trên 200 cuộc, số tiền giao dịch qua sàn chỉ vỏn vẹn 505 triệu đồng. Hiện các chuyên mục tìm xe, tìm hàng đều không hiển thị nhu cầu nào, nghĩa là sàn hầu như không hoạt động. Một số sàn giao dịch khác được thành lập sau cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo đánh giá của các hiệp hội vận tải, các sàn giao dịch vận tải của Việt Nam hoạt động không hiệu quả có nguyên nhân chính là do tính pháp lý chưa cao, giữa chủ xe và chủ hàng chưa có ràng buộc pháp lý, dẫn đến nhiều rủi ro khi hàng hóa bị mất, khó xác định trách nhiệm bồi thường. Các sàn giao dịch chủ yếu do công ty tư nhân thiết lập, thường là những công ty nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Cước vận tải thấp nhưng giá trị hàng hoá lại cao, đó là lý do khiến các sàn giao dịch vận tải không dám thực hiện việc cam kết bảo lãnh, chỉ đóng vai trò như người “môi giới” kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để hai bên gặp nhau. 

Những bất cập này không phải các cơ quan quản lý nhà nước không nhận ra nhưng rõ ràng nó chưa được xử lý rốt ráo. Cho đến thời điểm này, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có một động thái nào nhằm khôi phục, hỗ trợ để sàn giao dịch vận tải hoạt động trở lại hiệu quả hơn. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một quy chế có tính pháp lý để sàn giao dịch vận tải hoạt động hiệu quả, ràng buộc được trách nhiệm của các bên. Khi xảy ra sai phạm, mất mát, hư hỏng hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng, sàn giao dịch phải là đơn vị trung gian tham gia cùng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các bên. Một vấn đề nữa cần được quan tâm là, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu hỗ trợ, hướng dẫn các sàn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính, cải tiến phần mềm theo hướng thuận lợi hơn cho người sử dụng, đa dạng các hình thức kết nối, minh bạch hóa về giá cước. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các sàn xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ các thành viên tham gia nhằm đảm bảo độ tin cậy của sàn.

Chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam đang ở mức rất cao. Việc này đã và đang làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt. Như vậy, bên cạnh việc cơ cấu lại thị phần vận tải, việc trước mắt cần làm ngay là tạo mọi điều kiện cần thiết cho sàn giao dịch vận tải hoạt động hiệu quả. Đây là việc trong tầm tay và hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục