Kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc xanh là một trong những xu hướng kiến trúc đang dần được triển khai thực hiện ở TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước nói chung. Tuy nhiên xu hướng kiến trúc này phát triển còn khá chậm…
Công trình xanh: Còn ít
Tuần qua, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM đã tổ chức Hội thảo Hiện trạng sử dụng năng lượng và giải pháp công nghệ trong công trình xây dựng. Các đại biểu đã đưa ra một thực tế: công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hay nói cách khác, công trình xanh chưa có nhiều.
Theo ông Phạm Huy Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (sau đây gọi tắt là Trung tâm), trước khi tiến hành hội thảo, Trung tâm đã có một thống kê nhỏ về việc tiết kiệm năng lượng tại một số công trình kiến trúc ở TPHCM. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều công trình vẫn ít sử dụng các giải pháp trong kiến trúc để hạn chế bức xạ mặt trời như xây dựng hành lang, lam che nắng, mái vách và hầu như chưa sử dụng các giải pháp chống xâm nhập nhiệt hiệu quả nhưng cần đầu tư cao như tường nhiều lớp có cách nhiệt, mái đôi… Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng cũng chưa quan tâm đến hiệu quả thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Trong khi đó, một tài liệu khác từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM được ông Phạm Huy Phong trích dẫn cho thấy, nguồn năng lượng điện sử dụng cho các nhu cầu nêu trên thường chiếm rất cao trong toàn bộ năng lượng cần dùng cho một tòa nhà. Ở các công sở, lượng điện năng sử dụng máy điều hòa không khí chiếm khoảng 75,9%, điện năng sử dụng máy chiếu sáng chiếm 11,5%/tổng lượng điện tiêu dùng. Ở các trung tâm thương mại, lượng điện dùng điều hòa không khí chiếm 58%, chiếu sáng 18%/tổng lượng điện. Còn tại các khách sạn, lượng điện sử dụng máy điều hòa không khí chiếm 74,83%, chiếu sáng 9,11%, dùng cho hệ thống máy đun nước nóng 4,41%.
Không chỉ thiếu vắng các giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường, việc sử dụng vật liệu xây dựng, các thiết bị điều hòa không khí, chiếu sáng...không hợp lý cũng đang làm cho lượng điện sử dụng tại các công trình kiến trúc tăng cao. Thay vì sử dụng các thiết bị điều hòa không khí hiệu suất cao, nhiều nơi vẫn còn dùng các thiết bị có hiệu suất thấp hoặc trung bình. Việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này đa phần chưa đạt yêu cầu kỹ thuật. Đáng lẽ phải dùng các màu sơn sáng có tác dụng phản quang, phản nhiệt tốt phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam, nhiều công trình kiến trúc vẫn sử dụng màu tối, màu chói, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
Kinh phí: Vướng!
Cách đây 3 năm, ngày 17-6-2010 Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật quy định rõ: “Áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhà nước hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng…”. Ngày 29-3-2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định 21 quy định chi tiết các biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo Nghị định 21, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (đó là các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đơn vị vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong vòng một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương 1000 TOE trở lên; các công trình xây dựng dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, khách sạn, siêu thị, nhà hàng... có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương 500 TOE trở lên-theo định nghĩa tại Nghị định 21) phải xây dựng kế hoạch hàng năm và mỗi 5 năm/lần về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Các cơ sở này phải tiến hành kiểm toán năng lượng và phải báo cáo kết quả kiểm toán cho ngành chức năng….
Hệ thống pháp lý đã khá đầy đủ nhưng theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, trở ngại lớn nhất là kinh phí thực hiện. Chi phí đầu tư xây dựng một công trình xanh, thân thiện với môi trường thường cao hơn chi phí đầu tư xây dựng các công trình thường khoảng 20% - 30%. Đành rằng, chi phí này sẽ được bù lại sau khi công trình đi vào sử dụng (chủ yếu do tiết kiệm được chi phí năng lượng) nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không nhiều chủ đầu tư có khả năng đầu tư lớn như vậy. Hơn nữa, cũng không có nhiều người mua hiểu được giá trị của công trình xanh, lý do tại sao giá trị đầu tư những công trình kiến trúc xanh cao hoặc nếu hiểu cũng không có ngay khoản tài chính lớn để mua. “Trong bối cảnh chủ đầu tư các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng… tìm mọi cách để hạ giá thành và người dân mong mỏi giá nhà đất giảm xuống nữa thì việc đầu tư xây dựng các công trình xanh với giá cao vượt lên là không khả thi” - Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhận xét.
Cần cơ chế hỗ trợ
Theo Nghị định 124/2007 của Chính phủ và Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2007 về sử dụng gạch không nung: “Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung kể từ ngày 15-1-2013; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây)”.
Gạch không nung là một trong những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Thực hiện quy định trên, ngay từ đầu năm 2013 nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu tìm mua gạch không nung để sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho hay, gạch không nung trên thị trường không nhiều. Đã vậy, giá thành còn cao và đặc biệt nhiều loại gạch không nung chất lượng chưa tốt và chưa nhẹ như yêu cầu. Không ít doanh nghiệp bất động sản đã định mua gạch không nung về sử dụng với hy vọng, gạch nhẹ sẽ làm giảm chi phí đầu tư xây dựng kết cấu, và giúp giảm giá thành căn hộ… nhưng với những nhược điểm nêu trên, gạch không nung đã không đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Đực, câu chuyện về gạch không nung chỉ là một trong những minh chứng điển hình, phản ánh thực tế sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, từ minh chứng điển hình này có thể khẳng định, vấn đề “cốt tử” hiện nay trong việc phát triển các công trình kiến trúc xanh là hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường phải phát triển, có giá thành phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Ngay cả những thiết bị kỹ thuật dùng trong nhà như đèn chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh tiết kiệm năng lượng… cũng cần được khuyến khích phát triển bằng các cơ chế chính sách. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay rất khó thuyết phục khách hàng rằng, bây giờ mua nhà, mua căn hộ giá cao nhưng sau này sẽ được đền bù lại bằng các chi phí năng lượng tiết kiệm được.
Thiếu một hệ thống quy định, quy chuẩn xây dựng xanh mang tính chất kỹ thuật, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán của từng vùng là một nguyên nhân khác làm cho kiến trúc xanh chưa phổ biến. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, hiện nay quy chuẩn xây dựng cơ bản không khác nhau giữa các vùng miền trong cả nước. Trong khi đó, với mùa đông lạnh giá, nhà cửa cũng như nhiều công trình xây dựng khác ở miền Bắc chắc chắn phải được xây dựng không giống với các công trình được xây dựng ở miền Nam thường xuyên ấm áp. Miền Trung mưa bão liên tục, công trình xây dựng ở đây đương nhiên phải bền vững hơn các vùng, miền khác. Chưa một có quy định cụ thể, nhiều chủ đầu tư có thể lúng túng hoặc vin vào đây để né tránh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển bền vững. Ông Trần Chí Dũng |
NGUYỄN KHOA