Cần “luồng gió mới” làm đẹp thành phố

TPHCM có rất nhiều dịp cần trang trí làm đẹp đường phố như vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn kỷ niệm trong năm… Việc trang trí một đô thị lớn vừa thể hiện được nét truyền thống, vừa năng động, hiện đại theo kịp xu hướng phát triển trên thế giới không phải là điều đơn giản.
Cần “luồng gió mới” làm đẹp thành phố

TPHCM có rất nhiều dịp cần trang trí làm đẹp đường phố như vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn kỷ niệm trong năm… Việc trang trí một đô thị lớn vừa thể hiện được nét truyền thống, vừa năng động, hiện đại theo kịp xu hướng phát triển trên thế giới không phải là điều đơn giản.

Hội đồng xét duyệt phải đủ năng lực

Theo các chuyên gia, việc trang trí đô thị được xem là thành công không chỉ đẹp ở thiết kế trên giấy, mà phải “sống” trong thực tế, người dân hiểu và cảm thụ được.

 

Các chuyên gia đều cho rằng, hội đồng xét tuyển cần làm việc độc lập theo tinh thần chuyên môn, trong quá trình tìm kiếm ý tưởng thiết kế và thi công cần bám sát chủ đề chủ đạo, không nên bị tác động bởi các nhà tài trợ.

 

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho rằng không phải cứ nhiều đèn, hoa… treo hết lên đường phố là đẹp. Ngược lại, nguyên tắc trang trí là phải đơn giản tuyệt đối, bố cục rõ ràng để nổi bật được chủ đề chính. Chủ đề đó thể hiện thông qua màu sắc, đường nét chủ đạo, hiện diện xuyên suốt cả tác phẩm; còn các màu sắc, đường nét khác phải hài hòa và tôn được nét chính chứ đừng đánh đồng hết tất cả. Trang trí đường phố càng không đơn giản, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mỹ thuật và kỹ thuật, bởi lẽ màu vẽ trên giấy khác với màu ánh sáng, chẳng hạn màu xanh dương vẽ trên giấy rất đẹp nhưng không nên sử dụng trong thiết kế ánh sáng vì khi trời tối sẽ biến mất theo bóng đêm… hoặc chọn cách bố trí, những màu sắc sao cho ban đêm lên đèn đẹp, nhưng ban ngày không dùng đèn cũng đẹp mắt. Đồng thời người thiết kế cũng phải am hiểu về thị giác để tránh sử dụng những màu sắc gây chói mắt, khó chịu cho người đi đường… Điều quan trọng hơn, theo họa sĩ Uyên Huy, là hội đồng xét duyệt các đề tài, dự án trang trí đường phố: “Nghệ thuật trang trí đường phố quy tụ nhiều lĩnh vực khác nhau, vì thế hội đồng cần càng nhiều chuyên gia càng tốt hoặc ít nhất là 2/3 trong tổng số thành viên hội đồng phải là các chuyên gia như Nghị định 113/2013 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật quy định, thay vì chỉ có 2-3 người như hiện nay. Hội đồng này khi xét duyệt còn kiểm tra trước màu ánh sáng thật và giám sát quá trình thi công tại xưởng để kịp thời chấn chỉnh, chứ để đến lúc đưa lên trang trí khắp phố phường thì đã quá muộn!”.

Cũng theo họa sĩ Uyên Huy, thẩm mỹ đô thị rất quan trọng, cho nên không phải đến lễ hội, ngày đặc biệt mới quan tâm đến điều đó mà phải chú trọng cả trong cuộc sống hàng ngày. Nói đơn giản như việc trồng hoa trên những tuyến đường, mỗi tuyến đường có thể trồng một loại hoa làm nét riêng của tuyến đường đó hoặc có thể trồng nhiều loại hoa nhưng màu sắc, kích cỡ hài hòa với nhau, đừng trồng tùm lum, rườm rà làm rối loạn thị giác người dân.

Trang trí làm đẹp đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thay đổi mô típ

Trong khi đó, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TPHCM, nhận xét việc trang trí đô thị hiện nay vẫn đang theo mô típ “cổng chào” quá cũ, khiến cho người dân nhàm chán và các nhà thiết kế cũng dần cạn ý tưởng cho kiểu thiết kế này. Trong khi thế giới đã tìm tòi, sáng tạo, thay đổi rất nhiều phong cách trang trí độc đáo, ấn tượng hơn nhiều. Do đó, cần học hỏi để thay đổi cũng như tạo cảm hứng sáng tạo mới cho các nhà thiết kế. Một hạn chế hiện nay, theo KTS Nguyễn Trường Lưu, là thời gian quá cập rập: “Một hoặc hai tháng để suy nghĩ chủ đề, thi tuyển, xét duyệt, thi công trang trí… là quá ngắn. Nhiều loại đèn Led, vật liệu phải đặt hàng từ nước ngoài nhưng không đúng kiểu cần, nhà thiết kế phải dùng loại gần đúng nên không ra hình hài, màu sắc thiết kế như ý muốn. Tôi nghĩ nên có thời gian chuẩn bị dài và kỹ càng hơn. Thành phố nên tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, xã hội học, nghệ thuật đường phố… để đánh giá, rút kinh nghiệm những đợt trang trí trước đó và suy nghĩ cùng tìm ra đề bài, đề tài chủ đạo cho những dịp trang trí sắp tới để tổ chức thi tuyển, tìm kiếm đơn vị thiết kế, thi công có năng lực thực sự”.

Công trình vĩnh cửu thay vì “đến hẹn lại lên”

Còn theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Hội KTS TPHCM, không chỉ TPHCM mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước (phần nhiều làm theo TPHCM), khi trang trí dịp lễ tết chỉ chú trọng vào khu vực đường phố. Thế nhưng, giao thông trong thành phố hiện nay quá nặng gánh vì phương tiện, con người qua lại đông đúc, vỉa hè còn bị lấn chiếm bởi hàng rong, quán xá… nên việc tập trung trang trí đô thị tại các trục đường như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho mạng lưới giao thông. Người dân cũng giảm cơ hội chiêm ngưỡng vì lưu thông căng thẳng, trong khi việc dựng các trụ thép, giá đèn… ở các khu vực đông dân cư cũng không an toàn. Do đó, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đề xuất, việc trang trí đón lễ hội nên ở các khu vực có không gian rộng chẳng hạn như Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ… “Thành phố có sông Sài Gòn dài hàng chục cây số, uốn lượn rất nghệ thuật, tại sao chúng ta không tập trung trang trí làm nổi bật biểu tượng đó? Vào mùa xuân, Hàn Quốc tổ chức phun nước sắc màu trên sông Hàn đã trở thành biểu tượng độc đáo của đất nước này, thu hút nhiều du khách. Đây cũng là một kinh nghiệm cho TPHCM học tập”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nói.

Riêng các tuyến đường, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đề nghị nên tạo các công trình nghệ thuật vĩnh cửu, chẳng hạn các bức tượng hay tiểu cảnh… vừa tạo sự thân thuộc cho người dân vừa tạo được điểm nhấn, nét đặc sắc cho thành phố cũng như tạo nên giá trị nghệ thuật về lâu dài. “Quan sát rất nhiều nước trên thế giới, tôi thấy cách trang trí này không chỉ ấn tượng, bền lâu và không quá tốn kém như những công trình “đến hẹn lại lên”. Tôi nghĩ thành phố cần có sự thay đổi”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đề xuất.

Khánh Lê

Cần “luồng gió mới” làm đẹp thành phố ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục