Ở cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có một lão ngư dân đã sáng tác một bài thơ 24 câu ứng với tình trạng bị bồi lấp nơi đây: “Cạn tới, cạn lui mãi không rời/Muốn đi ra biển thì lựa nước/Chỉ chậm chân thôi phải ở nhà/Sáng lại thuyền vô phải ở ngoài/Chứ chưa nói đá nổi hay ngầm/Ra vô va đụng tùm lum chuyện/Bể ván còn thêm chân vịt lìa…”. Không riêng gì Mỹ Á, dọc dài miền Trung có hàng chục cảng cá sau khi được nâng cấp, sửa chữa, xây mới vững chãi hơn thì cũng là lúc luồng lạch ra vào bị bít lối.
Tác dụng ngược
Giữa trưa nắng như đổ lửa, nhiều ngư dân xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) thay vì cập ngay cầu tàu để chuyển hải sản lên bờ phải còng lưng dùng thuyền thúng trung chuyển. “Có hơn một tấn cá ngừ mà mất hơn 3 giờ mới chuyển xong. Lại phải bán giá thấp gần phân nửa vì cá bị ươn và trầy xước” – ngư dân Võ Xuân Cẩm ở thôn Hải Tân ngán ngẩm nói.
Nhìn bạn thuyền tất bật chuyển cá và nguyên liệu, anh Hành Văn Hóa buồn bã kể: “Ngày 16-11-2011, khi xuất bến ra khơi, chiếc tàu cá QNg-48909, công suất 80CV, bị sóng nhấn chìm tại cửa Mỹ Á. Khi quay lại vớt thuyền viên trên tàu gặp nạn thì tàu cá của ông Trần Cu Ly đã bị sóng bủa ngang, tàu lắc mạnh làm cho thuyền viên Võ Minh Châu rơi xuống biển bị sóng cuốn trôi đến ngày hôm sau mới tìm thấy xác”. Không chỉ vậy, tàu cá QNg-44297 của ông Nguyễn Quảng cũng bị sóng đánh chìm khi xuất bến, 3 ngư dân trên tàu được cứu vớt kịp thời nhưng con tàu bị sóng đánh va vào đá ngầm tan tành gây thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á vừa được nghiệm thu vào tháng 12-2011 với khoản kinh phí xây dựng hơn 90 tỷ đồng “đã kịp” nhấn chìm 2 tàu cá, cướp đi sinh mạng 1 ngư dân và làm nhiều tàu thuyền bị mắc cạn. Để khắc phục tình trạng trên, cứ vào đầu mùa đánh bắt, ngư dân khu vực này lại phải tự bỏ tiền túi ra để thuê phương tiện nạo vét, khai thông luồng lạch để ra khơi đánh bắt. Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm đối với những tập thể cá nhân liên quan đến việc triển khai xây dựng công trình.
Dù đã qua hai tháng của mùa đánh bắt mới, hơn 200 tàu cá của ngư dân Phú Yên vẫn mắc kẹt tại các cảng cá thuộc phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa) do cửa biển Đà Rằng bị cát bồi lấp nghiêm trọng.
Theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trưởng trạm biên phòng Đà Rằng, để tàu thuyền ra vào an toàn, nước phải sâu trên 2,5m, nhưng hiện tại chỉ đạt 0,5m, cao điểm khi thủy triều lên chỉ khoảng 1,6m. Tại tỉnh Bình Định, hai cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn và cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cũng rơi vào tình trạng tương tự do công trình kè chắn sóng, chắn cát được xây dựng đã xảy ra tình trạng bồi lấp.
|
Cảng cá Đề Gi được hoàn thành năm 2006 nhưng đoạn giữa của luồng tàu ra vào cảng cá đã “mọc” một bãi cát rộng, kéo dài hàng trăm mét chiếm quá nửa luồng lạch ra vào bến khiến hàng chục tàu thuyền ra vào bị mắc cạn, sóng đánh chìm. Đầu vụ đánh bắt năm nay, hơn 500 tàu của ngư dân tỉnh Bình Định phải nằm chờ hàng tháng trời cho đến khi có thủy triều lên mới dám ra khơi đánh bắt. Ông Lê Lộc, Trưởng thôn Trường Xuân Đông (xã Tam Quan Bắc) cho biết: “Chậm chuyến biển đã đành nhưng nỗi lo lớn nhất của ngư dân ở Hoài Nhơn là vào mùa mưa bão, với tình trạng luồng lạch bị bồi lấp ngày càng nhiều, việc ra vào tránh trú bão của tàu thuyền sẽ rất nguy hiểm”.
Để giảm thiểu thiệt hại tài sản và tính mạng cho ngư dân, năm 2011, UBND tỉnh Bình Định đầu tư khoảng 800 triệu đồng nạo vét được 14.000m3 cát tại cửa biển Tam Quan, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cát lại bồi lấp như cũ. Đầu năm 2012, tỉnh lại duyệt dự án mới nạo vét khoảng 26.000m3 cát tại cửa biển Tam Quan với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên tiến hành việc nạo vét, một trong hai tàu hút cát đã bị sóng đánh gãy làm đôi.
Hậu cần nghề cá chưa theo kịp
Nếu như tỉnh Bình Định là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản thuộc loại hùng hậu của cả nước với trên 7.765 chiếc, tổng công suất khoảng 655.000CV, sản lượng khai thác năm 2011 đạt trên 150.000 tấn sản phẩm… thì Quảng Ngãi cũng chẳng kém cạnh bao nhiêu với 5.744 tàu cá, tổng công suất hơn 637.000CV, sản lượng khai thác trong năm 2011 là 113.300 tấn, đưa giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh ước đạt 895,72 tỷ đồng.
Rõ ràng khai thác và chế biến hải sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bình Định, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành khai thác thủy sản. Hệ thống cảng cá, bến cá chỉ đáp ứng được khoảng 50% - 60% số lượng tàu thuyền neo đậu bán sản phẩm và mua bán nhiên liệu lương thực, thực phẩm. Ngay cả Cảng cá Quy Nhơn, mặc dù đã được nâng cấp về hạ tầng như cầu tàu, nhà điều hành, chợ thủy sản, sân bãi… nhưng nhiều ngư dân vẫn cho rằng cảng này vẫn chưa trở thành cảng cá lớn theo quy hoạch của tỉnh và trong khu vực.
Ông Văn Công Việt (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ-91189 cho biết: “Cảng cá Quy Nhơn mới được nâng cấp nhưng lại thiếu khu quy hoạch xây dựng cây xăng trên bờ cho tàu thuyền tiếp nhiên liệu. Đến mùa đánh bắt, tàu vào ra tấp nập thì các cầu cảng quá tải, không đủ chỗ cho các tàu bán thủy sản. Các hoạt động cung ứng nhiên liệu, ngư lưới cụ, nước đá, sửa chữa tàu thuyền và thu mua sản phẩm… phần lớn là do tư nhân đảm nhận. Các công trình hỗ trợ thiết yếu như khu sơ chế, kho bãi, kho lạnh chứa hàng… vẫn chưa được đầu tư xây dựng”.
Trong khi đó, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, việc chế biến, xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Bình Định vẫn còn yếu. Hiện cả tỉnh chỉ có 5 nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 10.700 tấn/năm, ngoài ra còn có 70 cơ sở chế biến các mặt hàng truyền thống như nước mắm, cá khô… năng lực sản xuất từ 2.000 đến 3.000 tấn sản phẩm khô/năm, 16 triệu lít nước mắm/năm. Theo quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 sẽ xây dựng và hoàn thiện các cảng cá Nhơn Châu, Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan, kèm theo đó là những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão… Theo ông Phan Trọng Hổ, vấn đề quan trọng là phải tăng cường xây dựng các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Đồng quan điểm với các địa phương, cuối tháng 12-2011, tại buổi làm việc với Quảng Ngãi về hiệu quả đánh bắt thủy hải sản, phía Bộ NN-PTNT cũng đánh giá ngư dân ven biển, hải đảo của Quảng Ngãi cũng như cả nước còn nghèo là do ngành kinh tế thủy sản còn nhiều yếu kém, cảng cá sơ khai, chưa có chính sách tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân sau mỗi chuyến biển. Sản phẩm ngư dân đánh bắt được ở vùng biển xa thiếu bảo quản khoa học, khi đưa về bến thì bị tư thương, các đầu nậu ép giá bán với giá rẻ. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: Quảng Ngãi cần tập trung đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá, quan tâm đến hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Hà Minh - Hoàng Trọng