Cân nhắc việc đầu hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau

Ngày 14-3, Đoàn công tác của Cục thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau.

kiem-tra-han-han-sut-lun-1-4988.jpg
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục thủy lợi (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, năm nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và dân sinh.

Cụ thể, tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, đã có 131 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở, với tổng chiều dài 14.504m/550 điểm, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Hiện Cà Mau có hơn 1.800 hộ gia đình bị thiếu nước, không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa đang tiếp tục xuống thấp, dự báo những ngày tới sẽ có thêm nhiều kênh, rạch khô cạn, dẫn đến thiếu nước sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, hoa màu.

sut-lun-vung-ngot-hoa-ca-mau-1-589.jpg
Sụt lún làm hư hỏng đường giao thông nông thôn trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm, tỉnh có 3 mặt giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô.

Theo phân vùng phát triển, vùng Bắc Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên hơn 207.000 ha, được chia thành 6 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng II, III là canh tác nước ngọt; các tiểu vùng còn lại đa phần canh tác ngọt – lợ (mô hình lúa - tôm), đan xen một số diện tích canh tác lợ. Nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp theo các mô hình canh tác vùng Bắc Cà Mau trong mùa khô khoảng 200 triệu m3. Trong đó, khả năng tự cấp từ lượng nước trữ trên các kênh, rạch và trên diện tích ruộng của khu, vùng sản xuất khoảng 151 triệu m3, tổng lượng nước thiếu hụt cần có các giải pháp bổ sung là khoảng 49 triệu m3.

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm, việc tiếp nước ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích là 90.000ha). Chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh, rạch, bởi khi sản xuất vụ 2, nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã vơi dần.

Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau là cần thiết với bối cảnh hiện nay và phù hợp với Quy hoạch chung ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là giải pháp cấp bách, nếu không được triển khai, không chỉ có hoạt động sản xuất, dân sinh bị ảnh hưởng, mặt khác tình trạng sụt lún đất cũng sẽ xảy ra với mức độ báo động. Hiện, ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đã xảy 2 chu kỳ sụt lún, cách nhau 4 năm.

>> Clip ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục thủy lợi (Bộ NN-PTNT) trao đổi về đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau:

Tin cùng chuyên mục