Hôm nay 25-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2, tiếp tục đàm phán, quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thể hiện quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, cần hết sức cân nhắc mức tăng lương này trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động vẫn còn khó khăn, năng suất lao động thấp, người lao động đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp lớn.
Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, thì phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại cho rằng, mức tăng chỉ khoảng 6% - 7% mới hợp lý. Theo ông Lộc, một số tổ chức quốc tế cũng ủng hộ đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra quan điểm “Việt Nam tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm”. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng cảnh báo năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực (chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan). Với năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ qua chỉ tăng khoảng 3%/năm, lạm phát hiện nay dưới 1% và dự báo cả năm 2015 và 2016 ở mức dưới 3%, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% - 7% cho năm 2016 là phù hợp. Theo quan điểm của VCCI, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1% - 3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9% - 10% là hài hòa. Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mức tăng chi phí sản xuất. Tại các ngành sử dụng nhiều lao động, chi phí tiền lương là một phần đáng kể, thậm chí là phần mang tính quyết định, tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm khoảng 5%. Với họ, đây chẳng khác gì một cú sốc!
NGỌC QUANG