Trên trang Khoa học – công nghệ của Báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn ghi nhận ý kiến của bạn đọc và các nhà khoa học về thực trạng, giải pháp để tăng cường ứng dụng vào thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học…
Các ý kiến, bài viết cho diễn đàn, xin gửi về Ban Khoa giáo Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 TPHCM, ĐT: (08) 8 397628. Email: minhtusggp@yahoo.com.
Đơn phương, Sở Khoa học Công nghệ của TPHCM đã và đang dùng rất nhiều biện pháp để đưa đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) vào ứng dụng, với kinh phí hoạt động 26 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới. Liên kết hoạt động NCKH hiện có đông đảo các trường, viện địa phương và trung ương trên địa bàn thành phố, các đoàn thể như Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật và các hội ngành nghề.
Đây chỉ là một chiều từ trên xuống từ Nhà nước đến nhà khoa học kỹ thuật. Nhưng cầu nối qua - lại của NCKH với nhà sản xuất, nhà buôn bán và quần chúng tiêu dùng vẫn còn là tự phát; sự tham gia từ dưới lên như quần chúng (người tiêu dùng) lại chưa được nhà quản lý NCKH quan tâm đầu tư. Đúng lý ra, nếu từ khi xây dựng đề cương NCKH đã có nhà sản xuất tham gia thì việc ứng dụng kết quả NCKH đương nhiên sẽ đạt 100% (dù có hữu hiệu hay không). Trong chiều từ trên xuống, chỉ có 2 công đoạn suôn sẻ, một là Sở Khoa học Công nghệ chỉ chủ động liên lạc với một thiểu số nhà NCKH mà sở cấp kinh phí nghiên cứu, và hai là hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả NCKH chỉ vài ba người.
Vì vậy tính cạnh tranh của kết quả NCKH này không thuộc về kinh tế thị trường, mà thuộc vào nội bộ nhà khoa học tại vài trăm trường, viện hiện hữu, họ cạnh tranh nhau để thu cho được một số tiền thuộc nguồn kinh phí vốn eo hẹp của Nhà nước. Có biết bao trường hợp thui chột vì những người trẻ muốn vào nghề NCKH và các tay nghề NCKH lớn nhỏ được Nhà nước đào tạo đã bị dạt qua bên lề đường từ hoạt động NCKH kiểu ấy?! Thêm vào đó những sáng kiến đáng tiền thì vẫn bị giấu kín để tăng sức cạnh tranh cho riêng doanh nghiệp.
Thế mạnh tự nhiên của TPHCM có sức hội tụ lớn nhất nước, hội tụ mạnh trong vùng ASEAN và cả thế giới; nên nơi đây là cơ sở cho toàn cầu hóa, cư dân cọ xát với cuộc sống đa dạng nên năng động và sáng tạo. Địa bàn thành phố gồm có 3 hệ sinh thái: biển, cửa sông ngập triều và đất dốc miền Đông Nam bộ, cho nên tài nguyên thuộc loại nhiệt đới, đa dạng và năng suất sinh học cao.
Thế yếu của TPHCM là chức năng NCKH chỉ được Nhà nước quy định vào khoa học ứng dụng, thiếu nghiên cứu khoa học cơ bản, phải chăng vì vậy mà ngành tài nguyên – môi trường chưa thiết lập bộ tài liệu đánh giá đầy đủ môi trường (EAS) của 3 hệ sinh thái nói trên vốn ở trong thế cân bằng rất mong manh. Nên khó định tính thân thiện với môi trường của các đề tài NCKH, nên chứa nguy cơ phát triển kinh tế xã hội thiếu bền vững. Theo quy luật, các sáng kiến giàu sức chiến thắng chỉ nảy sinh tại chỗ cơ sở nhiều cọ xát.
Thử nghiệm sự tham gia của cư dân cơ cực nhất (cư dân của 2 khu nhà ổ chuột) lên đến đề tài NCKH (phát triển đô thị) đã được chúng tôi thực hiện trong 6 năm hợp tác với Đại học Kỹ thuật Liên bang Lausanne (EPFL) Thụy Sĩ. Trong đó các chuyên gia đầu đàn đến 2 cơ sở, tập hợp đội ngũ từ khi xây dựng đề cương nghiên cứu đến khi vừa thực hiện vừa học, cho đến khi tổng kết đánh giá công trình lý thuyết và ứng dụng này ở các cấp cơ sở, quốc gia và quốc tế.
Hiện nay không phải tự nhiên mà có nhiều thanh niên Á Đông đổ xô vào học các lớp công nghệ cao ở Mỹ. Họ đông hơn dân bản xứ, cứ xem tỷ lệ màu tóc đen của học viên thì biết và hãy nhìn vào danh sách xem có bao nhiêu tên họ Nguyễn! Họ đã được cấp học bổng hay được vay ngân hàng để trả nợ dần khi ra làm việc. Tất nhiên là việc làm sẽ có lương cao, tất nhiên là không phải ở Việt Nam ta. Đây là loại chất xám vượt thẳng lên hàng đầu nhờ nền đào tạo bổ sung của nhà trường Mỹ, theo lối tín chỉ và liên thông các trường.
Nhằm tổng kết, Mỹ và Canada định sẵn hàng năm một hội nghị để trình bày kết quả NCKH trước các nhà khoa học và nhà sản xuất. Nhà sản xuất chọn và mua những đề tài phù hợp. Nếu không thật phù hợp thì nhà khoa học chỉnh sửa để nhà sản xuất triển khai kết quả ban đầu của đề tài. Tài chính thu được dùng để chủ động thực hiện đề tài NCKH mới, miễn sao cho kết quả được mua, không nhất thiết cần nguồn kinh phí bao cấp như học bổng cho nghiên cứu sinh mới ra nghề. Nhà khoa học Mỹ hiện nay gồm đủ loại màu da và dân tộc. Giới khoa học ứng dụngï sinh tồn nhờ nhà sản xuất và thị trường của sản phẩm phát minh sáng chế. Nhà nước chủ động đánh giá các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chỉ dùng chính sách để cơ cấu phát triển nền kinh tế xã hội.
Chất xám được đào tạo tốt kể trên sẽ quay về cạnh tranh với ta hay hợp tác với tinh thần yêu nước thương nòi? Tất cả đều tùy thuộc vào chính sách nước ta, đủ sức quy tụ sáng kiến từ con đường NCKH chủ động từ Nhà nước xuống và con đường NCKH tự phát rộng rãi từ quần chúng lên, đồng thời dựa trên vốn đặc thù của hệ sinh thái tại lãnh thổ và lãnh hải để các đề tài NCKH cần thiết được liên tục xây dựng và ứng dụng, đủ cho phát triển nhanh và bền vững. Việc này là cấp bách vì ở thời đại hiện nay tuổi thọ một sáng kiến không vượt quá 5 năm.
Tiến sĩ BÙI THỊ LẠNG