Cần quy định chặt chẽ thời gian trả hồ sơ

Thanh tra TPHCM đang hoàn thiện quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất để trình UBND TPHCM ban hành. Việc ban hành quy trình là cần thiết, bởi từ thực trạng thanh tra quản lý, sử dụng đất trên địa bàn TP 5 năm qua (từ năm 2005 đến năm 2009) cho thấy quá trình triển khai một cuộc thanh tra trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra bị hạn chế.

Tuy nhiên, qua xem xét dự thảo, tôi nhận thấy nhiều điểm vẫn còn chưa sát thực tế, cần được bổ sung để tăng cường hiệu quả cho công tác thanh tra quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể:

- Khi thanh tra về chuyển mục đích sử dụng đất (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 của dự thảo) cần có quy định thanh tra chặt chẽ về thời gian trả hồ sơ. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người dân bị cán bộ địa chính xã, phường nhũng nhiễu, chậm trả hồ sơ theo giấy hẹn mà không có lý do, hoặc lý do không chính đáng, dẫn đến người dân phải “bồi dưỡng” mới được giải quyết. Do đó khi thanh tra phát hiện hồ sơ trễ hẹn theo quy định, cán bộ địa chính phải có trách nhiệm giải trình cụ thể. Nếu cần thiết, có thể mời người dân đến đối chất để vạch trần sự nhũng nhiễu và cần xử lý kỷ luật việc cán bộ địa chính không có văn bản trả lời cho người dân về lý do trễ hẹn rõ ràng.

- Khi thanh tra việc cấp giấy chứng nhận (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 của dự thảo), theo tôi có rất nhiều hiện tượng nhũng nhiễu người dân cần được thanh tra xử lý. Ví dụ như: khi có diện tích đất đo đạc chênh lệch, mặc dù không bị tranh chấp, nhưng cán bộ địa chính vẫn cố ý kéo dài thụ lý hồ sơ; các hồ sơ mua bán đất bằng giấy tay đã lâu không thể xác định được chỗ ở của người chủ bán đất, nhưng cán bộ địa chính lại yêu cầu có “giấy tái xác nhận” của chủ bán; theo quy định, những trường hợp tự ý xây dựng, sửa chữa, thì phải được cán bộ địa chính phường xác nhận vi phạm trước ngày 1-7-2004, từ đó dễ dẫn đến người dân bị vòi vĩnh…

 Từ các hiện tượng tiêu cực khá phổ biến trên cho thấy, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ về thời gian trả hồ sơ, thì các lý do của việc chậm trả hồ sơ cũng phải đưa ra xem xét và xử lý nếu có vi phạm hoặc nhũng nhiễu. Có như vậy mới có thể ngăn chặn tiêu cực và sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng đất. Hơn nữa, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trong trường hợp chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND phụ trách quản lý đất đai bao che tiêu cực, vi phạm thì cũng phải bị xử lý kỷ luật.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM)

Tin cùng chuyên mục