(SGGPO).- Chiều nay, 31-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Luật tiếp công dân, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Về Luật tiếp công dân, nhiều đại biểu đều chung nhận định, nếu làm tốt Luật khiếu nại tố cáo thì sẽ không cần tới Luật tiếp công dân, nhưng vì hiện nay công tác khiếu nại tố cáo chưa hiệu quả nên phải có Luật này. Nhiều ý kiến đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi tiếp công dân. Chế độ chúng ta là ưu việt, mọi công dân đều có quyền phát biểu ý kiến mà mình quan tâm, những việc mà mình bị xâm hại, vì thế luật phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi tiếp dân, trong khi điều này luật chưa rõ nét. Đa số các ý kiến cho rằng, khi công dân đến trụ sở tiếp dân, họ đều có mục đích, nguyện vọng rất rõ ràng, vì thế trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp dân phải hết sức cụ thể. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trả lời bằng văn bản.
Một số đại biểu cũng cho rằng, không cần phải có một bộ máy để tiếp công dân. Vì trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân của các cơ quan đều đã được quy định rõ, tuy nhiên phải có chế độ chính sách cho những người làm nhiệm vụ tiếp công dân. Những người làm công tác này phải có đủ tiêu chuẩn, trình độ, đạo đức. Kết quả tiếp dân ảnh hưởng rất nhiều đến công tác khiếu nại tố cáo của công dân. Làm công tác tiếp dân phải có tâm huyết như công tác dân vận, phải lựa chọn kỹ cán bộ làm công tác tiếp công dân và phải có chế độ chính sách cho họ. Nếu làm tốt công tác tiếp công dân, sẽ giải tỏa được rất nhiều bức xúc của người dân.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các cấp trong việc tiếp dân, tránh khiếu nại vượt tuyến. “Cần quy định cách tiếp công dân có hiệu quả, để bảo đảm công dân đến là được giải quyết các bức xúc, khiếu nại, chứ không phải đến trụ sở tiếp công dân chỉ để gửi được lá đơn kiến nghị. Phải cử những người có trách nhiệm tiếp công dân”, ông Luyến nói.
Một thực tế hiện nay, trong tiếp công dân, người đứng đầu rất ít khi xuất hiện. Nếu người đứng đầu (từ trung ương đến địa phương), xuất hiện trong các cuộc tiếp dân thì các bức xúc của dân được giải quyết nhanh hơn nhiều. Tình trạng hiện nay là trung ương nhận đơn, sau đó chuyển cho địa phương xử lý, đó là lý do khiến việc khiếu nại của dân dai dẳng rất nhiều. Ngoài ra, khi luật này ra, từ trung ương đến địa phương sẽ có trụ sở tiếp dân, vì thế cần sự liên thông giải quyết bức xúc của dân, thống nhất trong hệ thống tiếp dân. Nếu không làm tốt thì một đơn khiếu nại của dân có thể được gửi đến tất cả các trụ sở tiếp dân.
Đại biểu Đặng Đình Luyến, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đều đề xuất đổi tên thành Luật tiếp dân.
Về Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, một số đại biểu đánh giá, nội dung luật khá chu đáo dù trình lần đầu. Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị không nên bố trí cán bộ chuyên trách về bảo vệ kiểm dịch thực vật, chỉ cần cán bộ phụ trách. Ông cũng cho rằng, luật quy định còn mờ nhạt trách nhiệm, quyền hạn của UBND các cấp trong việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Về bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, đại biểu Minh tán thành quy định kho bảo quản phải bảo đảm khoảng cách an toàn, xa trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định khoảng cách an toàn đối với khu dân cư. Bổ sung thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chủ sở hữu.. vào danh mục thuốc bị thu hồi và bị tiêu hủy. “Cần quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm dịch thực vật. Còn nhiều quy định chung chung, giao cho Chính phủ, Bộ, kế thừa rất ít những nội dung đã được trải nghiệm trong 12 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật”, đại biểu Minh đề xuất.
PHAN THẢO