Cần sa từ núi xuống phố!

Trên nương rẫy
Cần sa từ núi xuống phố!

Tại các tỉnh miền núi, nhất là ở những nơi heo hút hiểm trở, do tập quán lâu đời, nhiều đồng bào dân tộc vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện (cây cần sa) trên nương rẫy cho dù cơ quan chức năng không ngừng phá bỏ. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn khi gần đây, tình trạng trồng cây cần sa trái phép không chỉ ở miền núi mà ngay cả khu vực đồng bằng, thậm chí ở các thành phố lớn đã xuất hiện nhiều trường hợp trồng cần sa ngay tại nhà, gây nguy hại cho xã hội.

Huy động lực lượng phá bỏ cây cần sa trồng ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu.

Huy động lực lượng phá bỏ cây cần sa trồng ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu.

Trên nương rẫy

Mường Tè, một trong những huyện xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu, người dân tại vùng đất hẻo lánh nhất Tây Bắc này chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số. Trong đó có không ít người với thâm niên hàng chục năm nằm bàn đèn thuốc phiện nên để có “cơm đen” hàng ngày, nhiều bà con dân tộc đã lén trồng cây thuốc phiện.

Chỉ riêng ở xã Tà Tổng, một trong những là địa bàn trọng điểm về trồng thuốc phiện ở Mường Tè có tới hàng chục hộ gia đình tham gia trồng cây cần sa. Vì thế mới đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá hơn 5,5ha trồng cây thuốc phiện tại Tà Tổng. “Cả xã có gần 5.600 người thì hơn 3% dân số xã bị nghiện, nhiều người nghiện tới hàng chục năm nên dù năm nào chính quyền xã cùng với công an và bộ đội cũng tiến hành vài đợt nhổ bỏ thuốc phiện nhưng không thể hết được. Hơn nữa, hơn 90% người dân ở xã là đồng bào dân tộc Mông nên việc trồng thuốc phiện đã thành thói quen, tập quán lâu đời. Khó bỏ lắm!” - ông Sùng A Chứ, Chủ tịch UBND xã Tà Tổng, thật thà cho biết.

Không chỉ có Tà Tổng mà ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang và vào tận khu vực miền Trung, Tây Nguyên, việc bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng cần sa với diện tích lớn không phải là hiếm.

Tại một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang như Hoàng Su Phì, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần, Vị Xuyên... trong năm qua, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã triệt phá tới 15.000 cây thuốc phiện trồng trên diện tích gần 800m² và xử lý nhiều đối tượng nhưng vẫn không thể xử lý triệt để được.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác triệt phá, xóa bỏ hoàn toàn việc trồng thuốc phiện ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, việc trồng và tái trồng thuốc phiện thường ở những nương rẫy rất xa và hẻo lánh. Có khi bà con còn chọn những khe núi sâu trong rừng già đi lại mất vài ngày đường, rồi bạt cây cỏ để làm nương, gieo trồng thuốc phiện hoặc trồng xen lẫn cùng các cây rau cải, cây hoa màu nên rất khó phát hiện.

Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp, lực lượng chức năng phát hiện thấy nương rẫy trồng thuốc phiện nhưng không xác định được chủ là ai để xử lý vì đa số bà con làm nương xa nhà.

Tới vườn nhà

Nếu việc trồng thuốc phiện tại các tỉnh miền núi chủ yếu là do thói quen, tập tục lâu nay của bà con thì với hiện tượng trồng cần sa xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực đồng bằng, thậm chí ngay giữa các thành phố đang là mối đe dọa nguy hiểm đáng báo động cho xã hội. Mới đây, tối 19-3, Công an TP Hải Phòng đã triệt phá một “trang trại” cần sa ngay giữa lòng thành phố cảng đã khiến người dân không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và sự tinh vi của trang trại này.

Đỗ Hải Nam (38 tuổi, ở số 4/22/22 đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng), chủ của “trang trại” cần sa trên, cũng là một con nghiện có thâm niên. Vì thế, để phục vụ cho việc “phê” của bản thân mình và kiếm thêm tiền khi mà nhiều thanh niên Hải Phòng đang có mốt “chơi cỏ”, sau khi lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng cần sa bằng phương pháp nhà kính của nước ngoài, Nam đã quyết định mua hạt giống cần sa về tự trồng và chế biến ngay tại nhà.

Một góc “trang trại” cần sa trong nhà của Đỗ Hải Nam ở Hải Phòng.

Một góc “trang trại” cần sa trong nhà của Đỗ Hải Nam ở Hải Phòng.

Nam dành cả tầng 3 và 4 của ngôi nhà đang ở rộng tới hơn trăm mét vuông để làm nơi trồng và đóng gói cần sa với công đoạn khép kín. Để việc trồng cần sa được thuận lợi và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, tất cả cửa sổ của ngôi nhà đều được che kín.

Cây cần sa được Nam trồng trong các chậu nhỏ, với sự hỗ trợ của những bóng đèn công suất lớn thay ánh sáng mặt trời, cùng đó là máy tạo nhiệt độ và độ ẩm. Với công nghệ này, chỉ sau khoảng 1 tháng gieo hạt, cần sa do Nam trồng đã cho... thu hoạch.

Tiến hành khám xét “trang trại” cần sa của Nam, công an đã thu giữ được hàng chục cây cần sa cao từ 10cm tới hơn 1m, 8 túi đựng ma túy đá, 1 túi đựng hạt giống cần sa và một lượng lớn cần sa khô và nhiều điếu cần sa.

Tang vật tịch thu tại “trang trại” trồng cần sa của Đỗ Hải Nam.

Tang vật tịch thu tại “trang trại” trồng cần sa của Đỗ Hải Nam.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an Hải Phòng cho biết, việc triệt phá “trang trại” cần sa không phải là lần đầu ở Hải Phòng. Trước đó, Công an huyện An Dương (Hải Phòng) đã phát hiện và xử lý Hoàng Văn Hồng (ở xã An Đồng, huyện An Dương) khi Hồng làm hẳn căn phòng ngầm dưới đất và trang bị hệ thống chiếu sáng để trồng hàng chục cây cần sa.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, công an tại nhiều địa phương cũng đã triệt phá không ít vườn cần sa ngay giữa những khu dân cư đông đúc. Công an phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang đã triệt phá 24 cây thuốc phiện đã ra hoa tại ruộng rau sạch của gia đình bà Đỗ Thị Bộ (61 tuổi), một người dân ở địa phương. Lý giải cho việc trồng thuốc phiện ngay giữa vườn nhà, bà Bộ cho biết do bị bệnh đau lưng nên khi nghe một số người mách rằng thuốc phiện chữa đau lưng rất tốt nên đã nhờ một số người quen ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xin cây con về trồng.

Còn trước đó, Công an xã Quỳnh Giao (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã phát hiện Phạm Văn Đạt (ở thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao) trồng trái phép 168 cây cần sa trong vườn nhà và trên ruộng canh tác của gia đình.

Tình trạng trồng cần sa, thuốc phiện ngày càng nhiều ở khu vực đồng bằng, nhất là ở các thành phố lớn, chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân lợi nhuận mà thứ cây gây nghiện nhưng chết người này đem lại.

Theo nhận định của cơ quan công an, phần lớn các trường hợp trồng cần sa ở thành phố, giữa khu dân cư là đối tượng nghiện ma túy, hoặc có liên quan tới việc kinh doanh và chế biến ma túy nên đây là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, một số ít người trồng cần sa vì mục đích chữa bệnh khi dựa vào những căn cứ thiếu khoa học về tác dụng “thần kỳ” của thuốc phiện.

Tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, cho biết, thuốc phiện là một loại thuốc trong đông y nhưng không phải ai, bệnh nào cũng dùng được mà việc sử dụng phải trên cơ sở khoa học rất nghiêm ngặt. Lạm dụng thuốc phiện để chữa bệnh sẽ dẫn tới nghiện, nguy hiểm hơn, cơ thể sẽ bị rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, kích thích và không kiềm chế được các hành vi nên dễ nguy hiểm cho xã hội cũng như chính bản thân.

* Trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt xóa 25,8ha cây có chứa chất ma túy. Trong đó có 24,8ha cây thuốc phiện được trồng ở 16 tỉnh miền núi phía Bắc và 1ha cần sa trồng rải rác ở 12 tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục