
Từ các đợt thanh kiểm tra của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã chỉ ra: Sự cố bức xạ, hạt nhân chưa được các cơ quan, doanh nghiệp và người dân quan tâm, tự giác phòng tránh…
Bất ngờ với kết quả kiểm tra
Kết quả thanh tra các cơ sở bức xạ của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cuối năm 2009 cho thấy, TPHCM có hàng chục cơ sở bức xạ hết hạn giấy phép cơ sở bức xạ (quá hạn 30 ngày): Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Công ty Chăm sóc sức khỏe Việt, Công ty TNHH PKĐK Hy Vọng, doanh nghiệp tư nhân Thiên Hậu…

Các nguồn uranium nghèo (xạ hiếm) đã được 39 chiến sĩ công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phát hiện và tịch thu tại Việt Nam năm 1995 trong “chuyên án thần kỳ” 027Z, có 1 chiến sĩ đã hy sinh và các chiến sĩ còn lại chịu di chứng nặng nề do nhiễm xạ. Ảnh: Cục ATBXHN
Đặc biệt, ngay cả một số bệnh viện, cơ sở y tế lớn còn không có giấy phép cơ sở bức xạ như: Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình; Phòng khám đa khoa Hoàng Long, Phòng khám đa khoa Thiên Phúc… Thậm chí, vẫn còn có cơ sở không khai báo bức xạ, cụ thể là Công ty TNHH Tân Quy Đông.
Còn kết quả thanh tra 39 cơ sở có sử dụng bức xạ cho thấy, có 5 cơ sở không thực hiện theo dõi liều cá nhân cho nhân viên bức xạ, 14 cơ sở không lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nhân viên bức xạ định kỳ 6 tháng/lần, 13 cơ sở không có quy trình hướng dẫn vận hành thiết bị an toàn và 2 cơ sở không có phương án ứng phó sự cố bức xạ, không lắp đặt biển báo tại nơi sử dụng nguồn xạ…
Tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, ngoài các cơ sở y tế sử dụng các thiết bị bức xạ: X-quang, xạ trị… thì nhiều doanh nghiệp (phần lớn là luyện kim) hỏi những câu khá “ngây thơ” như: Làm sao để nhận biết phế liệu nhiễm xạ, phòng tránh như thế nào… khi đoàn thanh tra đến kiểm tra.
Trong khi đó, quy chế “Tìm kiếm, xử lý nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát” được ban hành theo Quyết định số 146/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-9-2007 quy định, các cơ sở sản xuất sắt thép có sử dụng sắt thép phế liệu và cơ sở thu mua sắt thép phế liệu phải có các thiết bị và áp dụng các biện pháp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ để phát hiện nguồn phóng xạ, đã được phổ biến suốt 2 năm qua nhưng các doanh nghiệp vẫn… thờ ơ.
Trong khi đó, bức xạ có nguồn gốc nhân tạo (Co-60, Cs-137, I, Tc…) vô cùng nguy hiểm, cách phòng tránh duy nhất là phải kiểm soát chặt chẽ từ gốc.
Trách nhiệm của cả xã hội
Khi bức xạ tác động vào cơ thể sống, nếu vượt quá giới hạn cho phép, người nhiễm xạ có thể bị các triệu chứng, tổn thương như: ban đỏ da, hoại tử, nôn mửa, rụng tóc hoặc tử vong… đặc biệt nguy hiểm khi bị tổn thương tế bào, ADN.
Cụ thể, bức xạ có thể làm tổn thương, đứt gãy phân tử ADN (có chức năng truyền thông tin di truyền và quy định các chức năng hoạt động của các tổ chức trong cơ thể) làm thay đổi cấu trúc, mật mã gắn với ADN… ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe người bị nhiễm xạ, hoặc ảnh hưởng lâu dài tới bản thân người nhiễm và các thế hệ sau.

Nguồn phóng X-Cobalt-60 nguy hiểm
Vì vậy, tiến sĩ Đặng Thanh Lương cảnh báo, để bảo vệ con người trước những ảnh hưởng của bức xạ, trước tiên cần giảm liều chiếu ngoài, thời gian tiếp xúc càng ngắn càng tốt bởi liều bức xạ tỷ lệ thuận với thời gian tiếp xúc; khoảng cách càng xa càng tốt, bởi suất liều bức xạ từ một nguồn bức xạ tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Trong trường hợp hai biện pháp trên đã áp dụng nhưng liều vẫn cao thì cần phải sử dụng các vật liệu che chắn thích hợp (màn che, quần áo đặc biệt…).
Thạc sĩ Nguyễn Hào Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật và ứng phó sự cố (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho rằng, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nguồn xạ, yêu cầu xử lý sự cố do nguồn phóng xạ bị thất thoát, mất cắp… gây ra cũng đang được đặt lên hàng đầu. Đối với các doanh nghiệp sản xuất sắt thép có thu mua phế liệu trong và ngoài nước (chất thải phóng xạ có thể bị lẫn trong phế liệu), Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, yêu cầu sử dụng thiết bị kiểm tra bức xạ trong các kho bãi phế liệu.
Ngoài ra, các cơ sở thu gom phế liệu nhỏ lẻ, rải rác khắp các quận - huyện tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, việc quản lý, kiểm tra, phát hiện bức xạ tại đây là vô cùng khó khăn.
Như vậy, việc tổ chức ứng phó sự cố tại cơ sở (quận, huyện…) là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn thiệt hại về người, hạn chế bức xạ lây lan trước khi cơ quan chuyên môn về bức xạ, hạt nhân có mặt.
Trước thực trạng này, Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng, năm 2010 sẽ là năm kiểm soát chặt chẽ an toàn bức xạ bằng các hoạt động thanh tra về giấy phép cơ sở nguồn xạ, quá trình theo dõi nhân viên sử dụng bức xạ tại các cơ sở y tế, kiểm tra thiết bị đo bức xạ tại các nhà máy, xí nghiệp sử dụng bức xạ, các doanh nghiệp luyện kim, đo bức xạ tại các tòa nhà, cao ốc, các cơ sở thu mua phế liệu…
KIÊN GIANG