Tại buổi họp báo giới thiệu Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA 2010, sẽ tổ chức ngày 11 đến 14-3 ở TPHCM), ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, từ tháng 1, hầu hết các doanh nghiệp thuộc HAWA đều đã có hợp đồng đồ gỗ chế biến và mỹ nghệ, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Không chỉ khách hàng cũ mà còn có dấu hiệu nhiều khách hàng từ nước khác tìm đến Việt Nam đặt hàng. Đó là yếu tố hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, vì Mỹ là thị trường ngày càng chiếm tỷ trọng hết sức lớn, từ 40%-50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến của Việt Nam.
Giải thích điều này, HAWA cho biết, ít nước nào trong khu vực như Việt Nam có thế mạnh về tay nghề, lao động, nhất là thế mạnh về kỹ thuật - cấu trúc kỹ thuật trên sản phẩm gỗ thiên nhiên. DN chế biến gỗ Việt Nam có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về mẫu mã nhà nhập khẩu cần. Đây là tín hiệu tốt, khi năm 2009, ngành chế biến gỗ gặp khó khăn, từ chuyện bị nhà nhập khẩu ép, khiến đơn giá sản phẩm giảm đến việc áp dụng các quy chuẩn mới về hóa chất sử dụng, quy định chứng minh nguồn gốc nguyên liệu…
Nhưng những khó khăn hiện nay DN chế biến gỗ đối mặt có thể làm mất cơ hội từ tín hiệu lạc quan trên. Chi phí đầu vào tăng cao, trong khi nhà nhập khẩu lại yêu cầu giữ giá cũ, thậm chí giảm giá đối với những sản phẩm ít cạnh tranh.
Năm rồi khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ ảm đạm, nhiều nhà máy xẻ gỗ (nguyên liệu) ở các nước đóng cửa. Khi nhu cầu tăng trở lại mà nguồn cung ít, không chỉ Việt Nam mà cả DN Trung Quốc cũng tìm mua, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng lên, như gỗ thông New Zealand tăng 20% so với tháng 7-8 năm 2009.
Gỗ nguyên liệu từ Mỹ và Canada dù đỡ hơn nhưng vẫn chưa đủ nguồn cung, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu 70% nguyên liệu gỗ chế biến, quá lớn so với các nước đối thủ trong ngành. Không chỉ giá nguyên liệu tăng, khan hiếm lao động là một khó khăn khác, mà DN phải đối mặt. Năm 2009, do giảm đơn hàng, nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc, nay có đơn hàng DN lại không có lao động, đặc biệt là sau tết, càng khó tìm công nhân.
Điều này càng đặc biệt khó khăn hơn đối với DN vừa và nhỏ. Nhưng theo các DN, khó khăn bao trùm hơn hết là việc tăng giá điện, nước. Giá 2 mặt hàng này tăng lên, không chỉ làm tăng chi phí trực tiếp mà còn tác động gián tiếp, kích thích tất cả những yếu tố khác tăng lên, làm chi phí đầu vào của sản phẩm chế biến gỗ tăng lên, trong khi nhà nhập khẩu chưa sẵn sàng với mặt bằng giá mới. Theo ông Trần Đức Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần SADACO, những khó khăn này nếu không được giải quyết, khi đơn hàng gặp khó khăn hoặc trục trặc, khách hàng sẽ bỏ qua nước khác
CÔNG PHIÊN