Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 (sau 2 ngày ban hành) và đồng loạt, lực lượng chức năng trên khắp cả nước ra quân kiểm tra, xử lý người vi phạm theo mức phạt của quy định mới. Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ sau 6 ngày cảnh sát giao thông ra quân, cả nước có hơn 2.673 trường hợp bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, trong đó nhiều trường hợp bị xử phạt lên tới mức 30-35 triệu đồng. Dù còn nhiều tranh luận, nhiều ý kiến trái chiều nhưng phải nhìn nhận kết quả bước đầu là nhiều người đã tự điều chỉnh hành vi, đã e dè cầm lái thấy rõ, sau khi uống rượu bia.
Đã có không ít số liệu thống kê và cảnh báo rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Thực tế có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi uống bia, rượu. Rất nhiều gia đình tan nát cũng vì các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra. Vì thế, Nghị định 100 được rất nhiều người chào đón, trông chờ được triển khai thường xuyên, đồng bộ.
Điểm nổi bật của Nghị định 100 là việc tăng mức xử phạt chính (tiền) lẫn hình thức bổ sung (đặc biệt là tước bằng lái) đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn cao gấp nhiều lần so với trước, được xem là liều thuốc mạnh góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Song, điều này cũng gây ra ý kiến băn khoăn rằng, mức phạt mới quá cao so với mặt bằng chung thu nhập thì cần có thời gian tuyên truyền, giáo dục trước khi áp dụng xử phạt. Như vậy sẽ thuyết phục hơn.
Thế nhưng thực tế, quy định xử phạt người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn đã được ban hành từ lâu nhưng do mức phạt khá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các “ma men” trong việc cầm lái. Ở các nước văn minh như Thụy Sĩ, người dân vẫn uống bia rượu nhưng sau khi đã uống thì gần như họ sẽ không dám cầm lái, vì nếu cảnh sát phát hiện sẽ phạt rất cao. Ý thức thượng tôn pháp luật được hình thành khi người vi phạm bị đánh mạnh, trực tiếp vào túi tiền. Còn nhớ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tại các hội nghị đã không ít lần nhấn mạnh rằng, thói quen đạo đức chỉ được hình thành trên cơ sở cưỡng chế của pháp luật và sự cổ vũ cũng như phê phán nghiêm khắc của dư luận xã hội. Những nước nổi tiếng sạch sẽ, văn minh như Singapore hiện nay, trong quá trình xây dựng họ cũng đã từng áp dụng những quy định hà khắc như phạt tiền thật nặng, thậm chí đánh roi những người xả rác, tiểu bậy…
Trở lại, Nghị định 100 sẽ có tác động kéo giảm tai nạn giao thông do rượu bia đến đâu thì cần thêm thời gian để đánh giá. Nhưng chắc rằng, nếu lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông kiên quyết, xử phạt nghiêm minh theo quy định mới này, thói quen cầm lái sau khi uống rượu bia của nhiều người Việt Nam vốn hình thành từ rất lâu sẽ phải dần thay đổi.
Việc ban hành và thực thi Nghị định 100 để lại nhiều điều phải suy ngẫm trong kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật. Việc ban hành khẩn trương, thực thi rốt ráo những quy định tiến bộ, nhằm thay đổi hành vi của con người theo hướng tích cực hơn, chắc chắn sẽ được đại đa số dư luận đồng tình và ủng hộ. Trong bối cảnh có không ít quy định “chết yểu” vì thiếu tính khả thi hoặc thiếu điều kiện vận dụng dẫn đến tình trạng đầu voi, đuôi chuột thì việc ban hành, áp dụng Nghị định 100 được xem là một trong những trường hợp thành công. Chỉ sau vài ngày đi vào thực tế, nghị định đã nhanh chóng điều chỉnh được hành vi xã hội theo hướng tích cực.
Vì thế, chúng ta rất cần có thêm những quy định tương tự, sát hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đa sống người dân để từng bước xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.