Can thiệp ổn định thị trường vàng, ngoại hối

Vàng có quay đầu?
Can thiệp ổn định thị trường vàng, ngoại hối

Những ngày cuối tuần qua giá vàng trong nước vẫn liên tiếp lao dốc từ những tác động khách quan của thị trường thế giới cùng với những giải pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc cho nhập vàng. Tuy nhiên, giá USD trên thị trường tự do vẫn có dấu hiệu tăng trở lại dù trước đó NHNN công bố sẽ bán USD để bình ổn thị trường. Vì vậy, tìm lời giải cho bài toán giá USD từ nay đến cuối năm không phải đơn giản.

Giá USD trên thị trường tự do chưa ổn định, vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: CAO THĂNG

Giá USD trên thị trường tự do chưa ổn định, vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: CAO THĂNG

Vàng có quay đầu?

Cuối tuần qua, giá vàng trong nước tiếp tục xuống dưới ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Tại TPHCM, giá vàng SJC mua vào chỉ còn 34,9 triệu đồng, bán ra 35,1 triệu đồng/lượng. Nhu cầu mua vàng gần như không có trong khi lượng vàng bán ra rất mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên viên kinh doanh phòng ngoại hối Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), yếu tố chính kéo giá vàng trong nước giảm là do giá thế giới giảm. Bên cạnh đó, việc NHNN cho phép nhập khẩu vàng và Bộ Tài chính vừa quyết định giảm thuế nhập khẩu vàng xuống 0% thay vì tối đa 1% cũng khiến hạ nhiệt giá vàng trong nước. Đặc biệt, quyết định cho nhập tiếp vàng của NHNN đã giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ của thị trường, giúp giá vàng trong nước không tăng cao hơn giá vàng thế giới. Nhiều dự đoán đầu tuần giá vàng sẽ còn giảm tiếp.

Một số chuyên gia cho rằng giá vàng hiện đã tăng quá cao (gần 20% trong vòng 3 tháng qua). Chính vì vậy, sự điều chỉnh giảm trên thị trường vàng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, việc dự đoán xu hướng giá vàng trong thời gian tới là điều không đơn giản.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm giá vàng thế giới vẫn có các yếu tố hỗ trợ tăng giá. Bởi trên thế giới vàng vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, thậm chí được kỳ vọng sẽ tiếp tục sinh lời cao. Đặc biệt với gói kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ USD của Mỹ đang đe dọa tạo ra bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán, tiền tệ và bất động sản ở châu Á. Những lo ngại này chắc chắn sẽ được phản ánh vào thị trường vàng với tư cách là một kênh đầu tư tin cậy. Đó là chưa kể các ngân hàng trung ương thế giới đang đẩy mạnh dự trữ vàng và liên tục mua vào trong thời gian qua.

Trong khi đó, nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2010 đã trở lại mức trước khủng hoảng. Dự kiến nhu cầu vàng cả năm của Ấn Độ sẽ vượt 500 tấn. Theo các chuyên gia, cuối năm cũng là thời điểm nhạy cảm với giá vàng trong nước. Đặc biệt hiện đang là thời điểm cận kề hạn tất toán của nhiều hợp đồng tín dụng liên quan đến vàng trong dân cũng như hoán đổi từ vàng sang tiền đồng của các NHTM. Chưa kể, nhu cầu mua vàng trả nợ, tích trữ của người dân tăng cao vào cuối năm… Tất cả những yếu tố này có thể sẽ còn tác động đến giá vàng trong thời gian tới.

Loay hoay bài toán giá USD

Về tỷ giá, NHNN phát đi tín hiệu từ nay đến cuối năm 2010 sẽ điều hành tỷ giá ổn định, đồng thời bán USD ra thị trường cho các nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Thông điệp này được xem là một định hướng khá tốt về mặt chính sách. Việc ổn định này sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh chuẩn, không phá vỡ kế hoạch sản xuất vì sợ biến động tỷ giá. Tuy nhiên, có thể thấy trong khi giá vàng đã ngấm các giải pháp can thiệp của NHNN thì giá USD gần như vẫn tăng cao dù NHNN công bố đủ đảm bảo cung cầu ngoại tệ cần thiết cho thị trường. Đến cuối tuần qua giá USD trên thị trường tự do vẫn ở mức trên 21.000 đồng/USD. Đó là chưa kể, nhiều dự đoán cho rằng nhu cầu nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường vàng sẽ làm cho cầu ngoại tệ càng tăng cao.

Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho biết, thời điểm này ngân hàng khuyến khích khách hàng doanh nghiệp đàm phán với đối tác để thanh toán các loại ngoại tệ khác ngoài USD nhằm hạn chế rủi ro về khan hiếm USD cuối năm. Bởi nếu có can thiệp bán ra cho thị trường, NHNN cũng chỉ ưu tiên USD cho những mặt hàng thiết yếu, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể mua USD dễ dàng từ ngân hàng.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập nên nếu tỷ giá điều chỉnh lập tức tác động đến giá đầu vào của nguyên vật liệu cần thiết với thị trường trong nước, nên chỉ có thể điều chỉnh linh hoạt theo mức chấp nhận được tỷ giá của 2 đồng tiền. Để thực hiện điều đó phải quản lý được thị trường ngoại tệ, hạn chế USD hóa và giảm nhập siêu. Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh phải linh hoạt hơn, tỷ giá liên ngân hàng công bố phải phù hợp hơn với tỷ giá của thị trường và linh hoạt hơn chứ không cố định khi thị trường có biến động.

Thủy Dương

Giá vàng giảm mạnh

(SGGP).– Tiếp đà giảm giá của vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước trên thị trường tự do chiều ngày 14-11 cũng xuống sát mốc 35 triệu đồng/lượng, còn 34,85 triệu đồng/lượng (thu vô) và 35,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 3,1 triệu đồng lượng so với mức giá kỷ lục đã lập ngày 9-11. Khác với giá vàng, giá USD trên thị trường tự do cùng ngày vẫn giao dịch phổ biến ở mức 20.850 đồng/USD (thu vào) và 21.050 đồng/USD (bán ra).

L.Na.

Tin cùng chuyên mục