(SGGPO).- Sáng 7-12, Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).
Đây là diễn đàn để các vị ĐBQH, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia trong nước và quốc tế có thể trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn liên quan quy định về bảo vệ trẻ em, đồng thời đề xuất những ý kiến, khuyến nghị đóng góp vào nội dung dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Các ý kiến tại hội thảo nêu rõ sự cần thiết phải có một thiết chế riêng giám sát độc lập (GSĐL) việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, được cấp ngân sách Nhà nước; không có quyền ra quyết định nhưng có vai trò gây ảnh hưởng tới cá nhân/cơ quan ra quyết định, được tiếp cận với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước để tham vấn, bảo vệ quyền và thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, hiện tại chưa thể thành lập ngay hệ thống hoặc cơ quan GSĐL thì cần bổ sung vào dự thảo Luật nội dung lồng ghép cơ chế GSĐL vào cấu trúc vận hành hệ thống giám sát hiện tại của của các cơ quan đang được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em tại Việt Nam, chẳng hạn như đặt trong cấu trúc của cơ quan Quốc hội.
Về việc dự thảo Luật vừa trình Quốc hội đã nâng độ tuổi trẻ em lên đến dưới 18 tuổi, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, bày tỏ sự đồng tình cao.
Ông nói: “Khi nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 thì trẻ chưa thành niên sẽ được hưởng đầy đủ và toàn diện các quyền của trẻ em được quy định trong luật và trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Trẻ chưa thành niên sẽ được bảo vệ tốt hơn để không phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, giảm nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ được hưởng các chế độ học tập, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, được vui chơi, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế dành cho trẻ em đến khi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Quyền vui chơi và tham gia của trẻ em cũng được quan tâm đầy đủ hơn”. Tất nhiên, ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, việc quan trọng không kém là luật phải được thực thi nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ em. Nếu Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nội dung này, một số luật khác có những điều khoản liên quan trẻ em cần được chỉnh sửa theo cho phù hợp, đảm bảo sự nhất quán để thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích y khoa về trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, bác sĩ Nguyễn Trọng An còn kiến nghị “Luật hóa quyền của trẻ được hưởng các dịch vụ chăm sóc cho sự phát triển toàn diện, đặc biệt trong 1.000 ngày đầu đời”...
ANH PHƯƠNG