Cần thu hẹp khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện cải cách tư pháp

Luật sư PHẠM QUỐC HƯNG
Cần thu hẹp khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện cải cách tư pháp

Nghị quyết (NQ) 08 của Bộ Chính trị về “Nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp…” là rất đúng đắn và cần thiết. Nhưng việc tổ chức thực hiện còn khoảng cách khá xa… so với những gì NQ đề ra. Có thể xem xét một số vấn đề :

Cần thu hẹp khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện cải cách tư pháp ảnh 1

Hiện nay các luật sư thường chỉ tham gia bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư: NQ 08 yêu cầu “các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa”.

Bộ Luật TTHS năm 2003 có những điều luật tiên tiến về quyền nhờ luật sư của người bị tạm giữ; quyền luật sư tham gia tố tụng ngay khi bị can bị khởi tố; có mặt khi hỏi cung; gặp bị can bị cáo đang bị tạm giam…

Thực tế, tại cơ quan điều tra, chưa có trường hợp nào người bị tạm giữ thực hiện quyền nhờ luật sư; hoặc luật sư có mặt được trong những buổi hỏi cung đầu tiên, gặp được bị can mới bị tạm giam, dù là các vụ án thông thường…!

Việc Tòa án cấp giấy chứng nhận cho luật sư trong vụ án hình sự (đúng ra nên bỏ quy định này vì luật sư tham gia tố tụng theo Pháp lệnh luật sư, chỉ đối với những người bào chữa khác mới cần cấp giấy!): Luật TTHS mới quy định y như cũ. Nhưng trước đây, luật sư chỉ cần có giấy giới thiệu của VP Luật sư.

Áp dụng Luật TTHS mới, Tòa án tối cao lại hướng dẫn luật sư phải xuất trình thêm: hợp đồng dịch vụ hoặc đơn nhờ bào chữa của chính bị cáo, còn nếu gia đình bị cáo nhờ thì phải có xác nhận của bị cáo (khi bị cáo đang bị tạm giam!). Điều này gây khó khăn cho luật sư so với trước đây!

Việc luật sư tham gia tố tụng dân sự: Tòa tối cao hướng dẫn: luật sư chỉ cần giấy giới thiệu và thẻ luật sư (người bảo vệ quyền lợi khác mới cần giấy xác nhận của đương sự). Thế nhưng một số chuyên viên Tòa phúc thẩm tối cao tại TPHCM vẫn đòi luật sư phải có hợp đồng dịch vụ (đơn nhờ luật sư, hoặc giấy xác nhận)?!

° Đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được mọi cơ quan, cán bộ công chức chấp hành nghiêm chỉnh, không thể vận dụng một cách tùy tiện!

2. Về hoạt động xét xử: NQ 08 yêu cầu: “việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục…”.

Thực tế xét xử hình sự: Có không ít bản án chẳng thể hiện gì kết quả tranh tụng, không thuyết phục vì chỉ do tòa “nghĩ” ra (chủ yếu là vị chủ tọa). Mà vị này thì có khi không thể “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được, vì… tiêu cực do nhiều nguyên nhân!

Trong xét xử dân sự: Tình hình lại càng phức tạp. Khá nhiều trường hợp: cùng nhân danh Nhà nước, nhưng mỗi “quan tòa” xử mỗi khác; trên đúng dưới sai hay ngược lại, khó phân minh (!); trị giá tài sản tranh chấp càng lớn thì sự tùy tiện càng chiếm ưu thế; lý lẽ của luật sư không được coi trọng; thậm chí có thẩm phán không cần che giấu gì việc không thèm nghe!
Việc kiểm tra giám sát của cấp tối cao bằng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ít được quan tâm (vì việc ít sửa án, hủy án là thành tích…?!) cũng làm hạn chế khả năng chống tiêu cực!

Sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trung thực và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức” (Dự thảo BCCT) đặc biệt đáng quan ngại trong một số người tiến hành tố tụng, tiến hành hoạt động xét xử...!

3. Vai trò của luật sư: Cần nhìn nhận đúng tầm hơn vai trò của luật sư trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền dân chủ XHCN, đồng thời cần tuyển chọn đào tạo luật sư có chất lượng hơn. Không nên đề ra chỉ tiêu số lượng so với tỷ lệ dân, vì dân đông nhưng tỷ lệ nhờ luật sư đâu có nhiều, khi luật sư “bắt buộc” phải… chạy theo tiêu cực... (?!) hoặc khi lý lẽ của luật sư chỉ để nghe chơi…!

Đường lối chính sách do Đảng đề ra rất đúng đắn, được nhân dân đồng tình. Pháp luật do Quốc hội thông qua, tuy có khi chưa hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội và khá tiên tiến . Đảng và Quốc hội phải giám sát việc tổ chức thực hiện, sao cho những quy định trên giấy phải trở thành thực tiễn. Rất tiếc việc giám sát này còn chưa có cơ chế thích hợp và chưa đủ độ quyết liệt để có hiệu quả.

Phải làm sao để biến đường lối chính sách đúng đắn, pháp luật tiến bộ, từ tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng thành hiện thực để xây dựng thành công một xã hội công bằng-dân chủ-văn minh.

Luật sư PHẠM QUỐC HƯNG

Tin cùng chuyên mục