Hiện nay, có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một lượng rất lớn có nhu cầu được trở về Việt Nam mua nhà. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng TPHCM, số lượng người nước ngoài sinh sống, làm việc và có nhu cầu bức thiết về nhà ở rất lớn.
Mặc dù Luật Nhà ở sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam nhưng đến nay vẫn rất ít người mua được nhà vì không có hướng dẫn thực hiện.
Cặp vợ chồng người Australia đăng ký thủ tục mua nhà ở một dự án chung cư tại quận Bình Thạnh. Ảnh: Huy Anh
Kiến nghị sở hữu nhà 50 năm
Chính sách mở cửa cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà là một trong những tác động rất tích cực cho thị trường bất động sản. Chính vì thế, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã góp ý một số thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho Việt kiều, cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Từ góp ý này, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng TPHCM tổ chức lấy ý kiến góp ý các sở, ngành liên quan để trình TP báo cáo Thủ tướng và Bộ Xây dựng.
Tuần rồi, Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TPHCM các vấn đề liên quan. Và một trong những nội dung đáng lưu ý là sở này (sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan - PV) đã đồng tình với HoREA kiến nghị cho bên mua, bên nhận tặng, cho nhà ở từ người nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm thay vì chỉ được quyền sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại của người bán hoặc người tặng, cho nhà ở cho họ. Ngoài ra, các sở, ngành cũng đã thống nhất với kiến nghị gia hạn quyền sở hữu nhà ở cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài sau khi hết thời hạn 50 năm. Theo đó, người nước ngoài được gia hạn quyền sở hữu nhà ở mà không phải chịu thêm bất cứ chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính theo quy định. Liên quan đến việc chuyển khoản và vay tín dụng mua nhà ở, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà từ nước ngoài vào Việt Nam; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.
Được mua tại mọi dự án nhà ở thương mại
Liên quan đến kiến nghị của HoREA về việc đề xuất Chính phủ công bố hoặc ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố công khai khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà vì Điều 159 Luật Nhà ở có quy định về việc cá nhân, tổ chức nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở tại “khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh”, Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, nội dung này đã được quy định tại Nghị định 99/2015 của Chính phủ, đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua. Tức là Sở Xây dựng sẽ có danh mục xác định dự án nhà ở nào người nước ngoài không được mua. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng, liên quan đến bí mật quốc gia và thông thường các dự án nhà ở thương mại được duyệt cho phép đầu tư đều tập trung tại khu vực quy hoạch dân cư hoặc thương mại dịch vụ, không thuộc khu vực quy hoạch an ninh, quốc phòng. Có nghĩa là mọi dự án nhà ở thương mại được phê duyệt thì người nước ngoài được mua.
Nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản TPHCM đều không được các cơ quan đồng thuận và yêu cầu làm theo quy định hiện hành. Cụ thể, đề nghị Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Hà Nội và TPHCM cũng là những cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài của HoREA đã không nhận được sự đồng thuận. Sở Tư pháp cho rằng, theo quy định hiện hành, cơ quan có thẩm quyền xác nhận là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Sở Tư pháp và chưa có quy định các cơ quan khác được xác nhận. Mặt khác, theo Sở Tư pháp TP, hiện sở này hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục xác nhận là người gốc Việt và công việc này không tồn đọng nên không cần thiết phải ủy quyền thêm cho cơ quan khác thẩm định.
Còn đối với kiến nghị bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành “án thế vì khai sinh” để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước, Sở Tư pháp cũng cho rằng “chưa phù hợp”. Sở này giải thích: trước năm 1975, tòa án cấp tỉnh của chế độ cũ có ban hành các phán quyết gọi là “án thế vì khai sinh”. Bản chất là giấy khai sinh đăng ký quá hạn dựa vào lời tuyên thệ của đương sự trước tòa án về tên, nơi sinh, ngày tháng năm sinh của người đăng ký khai sinh quá hạn và tên cha mẹ với sự làm chứng của ít nhất hai người. Theo quy định hiện hành, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch là UBND xã, phường, thị trấn; UBND các quận, huyện; cơ quan đại diện Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài nên việc bổ sung quy định trong Bộ Luật Dân sự cho phép Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra bản “án thế vì khai sinh” là chưa phù hợp.
Thống kê từ HoREA, từ tháng 7-2015 đến cuối năm 2015, trên địa bàn TP đã có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà, tập trung vào các dự án bất động sản cao cấp của các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu.
Bình Khôi