Cần thực tâm

THỤY VŨ

Xung đột tại Syria kéo dài nhiều năm qua và ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhất là sau khi xuất hiện Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Lại thêm hậu quả từ di dân và khủng bố tràn lan. Theo thống kê của LHQ, năm 2016, Syria cần 3,2 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong đó 13,5 triệu dân Syria cần cứu trợ; 6,5 triệu người tiếp tục di tản tránh giao tranh; 4/5 gia đình sống trong nghèo đói, 72% không được tiếp cận với nước uống, trên 2 triệu trẻ em không được đến trường.

Vấn đề mấu chốt hiện nay tại Syria cũng như khi mới bắt đầu cuộc xung đột vẫn là vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga ủng hộ Chính phủ hợp pháp của ông Assad và cho rằng số phận của ông ta phải do chính người dân Syria định đoạt chứ không phải từ bên ngoài. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh muốn ông Assad ra đi trong mọi giải pháp về tương lai Syria. Sự khác biệt cốt lõi này đã làm đổ vỡ biết bao nhiêu cuộc hòa đàm về Syria.

Hầu hết các phe phái chính trị và vũ trang đối lập với Tổng thống Assad đều đồng ý về sự cần thiết cho một quá trình chuyển tiếp nhưng họ yêu cầu Tổng thống Assad trước tiên phải rời vị trí. Về phía Tổng thống Assad, ông này cho biết các cuộc đàm phán hòa bình không thể bắt đầu khi mà các nhóm khủng bố chưa bị tiêu diệt. Tổng thống Assad liệt cả các nhóm vũ trang đối lập được phương Tây hậu thuẫn vào danh sách các nhóm khủng bố.

Những gì đang diễn ra tại Syria tương tự như Afghanistan những năm 1980. Khi đó, phương Tây một mực đòi chấm dứt chế độ của Tổng thống Mohammad Najibullah và ủng hộ các nhóm phiến quân. Cuối cùng, Chính phủ của ông Najibullah cũng bị lật đổ nhưng hậu quả là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan khủng bố dẫn đến vụ tấn công khủng bố 11-9 ở Mỹ. Chính Taliban đã sử dụng vũ khí của người Mỹ để chống lại người Mỹ từ khi Mỹ và đồng minh trong NATO tấn công Afghanistan tháng 10-2001 cho đến tận ngày nay. Theo các nhà phân tích, việc phương Tây sử dụng các nhóm đối lập tại Syria để chống lại Tổng thống Syria Assad cũng đã ít nhiều dẫn đến việc hình thành IS. Hậu quả là nguy cơ khủng bố của IS đang ngày càng trở nên mất kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả Mỹ.

Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga ngày 15-12, Washington và Mátxơca cho biết sẽ cố gắng vượt qua khác biệt để đưa tiến trình hòa bình Syria tiến về phía trước. Hai bên đã thu xếp một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại New York vào ngày 18-12 để ra nghị quyết ủng hộ tiến trình hòa bình Syria.

Theo Washington Post, sau cuộc hội đàm tại Mátxcơva giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin, ông Lavrov cho biết hai bên sẽ tiếp tục làm việc về các vấn đề gây tranh cãi. Theo ông Kerry, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận về chống khủng bố.

Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm Nga của ông Kerry chỉ nhằm cố gắng thu hẹp bất đồng về Syria hơn là thực tâm chấm dứt xung đột tại Syria. Ngay cả trong vấn đề hợp tác chống IS, giữa Nga và Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt. Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố rằng, Washington chưa sẵn sàng hợp tác hoàn toàn với Mátxcơva trong cuộc chiến chống IS.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục