Luẩn quẩn vì giá bồi thường thấp
Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đề xuất vận dụng tối đa chính sách để tháo gỡ vướng mắc về bồi thường mặt bằng ở dự án chống ngập do triều và biến đổi khí hậu (tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng). Hiện nay, dự án này đang vướng về mặt bằng. Vì vậy, UBND TP sẽ tính toán lại chính sách bồi thường, theo hướng bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân, bao gồm những hộ dân ở huyện Nhà Bè có nhà nằm trên sông. UBND TP cũng phải có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người dân, kể cả đối với người dân không đủ tiền trả phần chênh lệch khi được bố trí tái định cư. Cách thức là TP sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ, đề nghị địa phương cùng vận động hỗ trợ kết hợp các chính sách khác để đảm bảo “người dân có miếng đất cắm dùi”. Có như thế mới gỡ vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Phân tích thêm vướng mắc, đồng chí Võ Văn Hoan nhìn nhận, đơn giá bồi thường hiện nay không sát với giá thị trường. Điều này dẫn đến người dân khiếu kiện. Việc triển khai các phương án bồi thường gặp vướng mắc nên phải điều chỉnh, làm đội vốn bồi thường. Nếu không điều chỉnh phương án bồi thường thì dự án sẽ “đứng hình”. Mặt khác, trong bồi thường, lâu nay Nhà nước chưa quan tâm đến các thiệt hại về thu nhập, việc làm, học hành… do người dân phải bàn giao nhà, đất và di chuyển nơi ở.
Một công đoạn khác, theo đồng chí Võ Văn Hoan, là giải quyết tái định cư cũng bất cập không kém. Trong công đoạn này, một mặt Nhà nước phải giải tỏa tại nơi thực hiện dự án, một mặt phải giải tỏa một nơi khác để xây dựng khu vực tái định cư. Và, cả 2 nơi này đều đối diện với khiếu kiện từ người dân, vì chính sách bồi thường chưa phù hợp. Chưa kể, chất lượng nhà tái định cư chưa tốt, hạ tầng chưa đảm bảo, dẫn đến nhà tái định cư dư thừa.
Một trong những đề xuất cụ thể được đưa ra là cần xây dựng phương án giá bồi thường tiếp cận giá thị trường và bổ sung phương án hỗ trợ để tính đúng, tính đủ các thiệt hại của người dân.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, băn khoăn tính chính xác về mức tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong 6 tháng đầu năm (tăng 8,58%, cùng kỳ là 7,14%). Cụ thể, trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM, chỉ có ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng nhanh (28% so với cùng kỳ). Song, quy mô ngành này không lớn, không đủ sức “kéo” tăng trưởng chung của 4 ngành. Trong khi 3 ngành quy mô lớn, giá trị sản xuất lớn, có tác động lớn đến 4 ngành thì đều tăng chậm. Cụ thể, ngành cơ khí chế tạo tăng 3% (cùng kỳ tăng 13%), hóa chất - cao su - nhựa tăng chưa đến 1% (cùng kỳ tăng 6,6%), chế biến tinh lương thực - thực phẩm tăng 1% (cùng kỳ tăng 8,7%). “Vậy sao cả 4 ngành tăng 8,58%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nêu thắc mắc. Sở Công thương và các sở - ngành không nên lạc quan nhìn con số thống kê mà cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế, phân tích cụ thể để có giải pháp đảm bảo yêu cầu phát triển.
Bà LÊ NGỌC THÙY TRANG, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM: “Thu ngân sách trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 193.310 tỷ đồng (đạt 48,43% dự toán), tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ đồng (đạt gần 45% dự toán), tăng 2%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ. Nguyên nhân là do Trung ương giao dự toán thu ngân sách TPHCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng. Tính ra, 1% dự toán thu ngân sách TPHCM đã tương đương 4.000 tỷ đồng. Trước nhiệm vụ khó khăn này, từ đầu năm 2019, TPHCM triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, đến nay số thu từ khu vực kinh tế vẫn không đạt dự toán được giao. Số giao dự toán năm 2019 đối với khu vực kinh tế tăng đến 21,15% so với năm 2018. Đây là con số quá cao, vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn TPHCM”. |
Trước yêu cầu giải trình, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, Sở TN-MT đang thực hiện một số giải pháp để đến cuối năm 2020 tỷ lệ rác chôn lấp ở TPHCM còn dưới 50%, theo nghị quyết HĐND TP. Thực hiện lộ trình này, dự kiến cuối năm 2019 sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với công suất mỗi nhà máy 3.000 tấn/ngày. Hai nhà máy đi vào vận hành sẽ xử lý 6.000 tấn rác/ngày bằng hình thức đốt phát điện, đảm bảo theo lộ trình (hiện toàn TPHCM thải khoảng 8.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày). Một nhà máy xử lý rác công suất 5.000 tấn rác/ngày hiện nay (chủ yếu là chôn lấp) cũng cam kết thực hiện lộ trình chuyển đổi 2.000 tấn rác sang đốt có thu khí gas. Ngoài ra, từ ngày 5-8 đến 5-9, TPHCM cũng công bố đấu thầu rộng rãi kêu gọi dự án đầu tư mới, tham gia xử lý rác sinh hoạt thành điện. Dự kiến, đến quý 2-2020 sẽ khởi công nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những nội dung nêu trên cần được xem xét như một lời cam kết về tiến độ thực hiện.
Liên quan đến thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, từ báo cáo của UBND quận 2, UBND TP sẽ hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải quyết tái định cư để trình HĐND TP xem xét thông qua. UBND TPHCM cũng đang hoàn thiện kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra và sẽ xin ý kiến bộ - ngành để triển khai thực hiện. |