Cẩn trọng khi xây dựng quy hoạch tượng đài Hùng Vương

Ngày 8-5, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục Mỹ thuật), Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật… nhằm tạo cơ sở định hướng cho việc quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035.
Tượng Vua Hùng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên - TPHCM
Tượng Vua Hùng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên - TPHCM
 Phần lớn các ý kiến đưa ra đều cho rằng, nên khống chế về số lượng, kiểm soát về chất lượng và phải cẩn trọng trong việc xây dựng quy hoạch mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh này.

Phong cách tạo hình vua Hùng mang tính tự phát

Theo nhận định của Cục Mỹ thuật, đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ và một số ít ở không gian ngoài trời. Hiện có 3 công trình lớn là tượng vua Hùng tại Công viên văn hóa Đồng Xanh - Gia Lai, tượng ngoài trời Hùng Vương và tượng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên - TPHCM, còn một vài tượng Hùng Vương khác ở ngoài trời có quy mô nhỏ. 

“Số lượng không thật nhiều, song có thể thấy về mặt thẩm mỹ, tượng Hùng Vương đã xây dựng đều mang tính tự phát”, ông Hoàng Minh Đức, Trưởng phòng Mỹ thuật của Cục Mỹ thuật, nhận định. Phong cách tạo hình và thể hiện hình khối điêu khắc của tượng đa phần theo lối dân gian tuyền thống, chất lượng nghệ thuật, tính biểu tượng còn hạn chế, thiếu đầu tư nghiên cứu hình tượng điển hình… nên không truyền tải được cảm xúc cần thiết đến với công chúng. Có tượng được thiếp bạc, phủ kim hoàn ở quần, áo; phần da thịt, râu tóc được tô màu theo lối tả thực (như da hồng, môi đỏ, móng tay đỏ, tóc đen…). Hay tượng vua Hùng tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên được xây dựng trong không gian mở, nửa trong nhà, nửa ngoài trời, được sơn son thiếp vàng, đội mũ lông chim, phong cách diễn tả tượng theo lối phạt mảng, tạo khối, cách điệu, có râu. Các hình khối tạo hình bị dàn trải, đồng đều, chân dung chưa thể hiện được sự uy nghi, kiên định của vua Hùng…

Nguyên nhân được chỉ ra là do vua Hùng là nhân vật huyền sử, cách đây hàng ngàn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, chỉ có một vài dữ liệu lịch sử hay ảnh minh họa. Sách viết về vua Hùng rất mơ hồ, chung chung về tạo hình. Chuyên gia của Cục Mỹ thuật khẳng định, việc tìm hiểu để đưa ra chứng cứ nhằm khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng vô cùng khó khăn. Các nhà khảo cổ học, sử học Việt Nam vẫn chưa có lời lý giải và minh chứng, do đó việc sáng tác hình tượng vua Hùng thường theo ý nghĩ chủ quan của nghệ nhân hay dựa vào một mẫu tượng nào đã có sẵn để chép lại, khiến chất lượng thẩm mỹ chưa cao. 

Theo khảo sát của Cục Mỹ thuật trên phạm vi cả nước, tượng Quốc tổ Hùng Vương hiện chưa có công trình nào được xây dựng đúng với tính chất và quy mô của công trình tượng đài. Các công trình hiện nay chỉ đang dừng lại ở dạng tượng thờ trong các đền hoặc khu tưởng niệm, là tượng trang trí phục vụ du lịch. Nếu xét tiêu chí là công trình tượng đài Hùng Vương thì hiện nay chưa có công trình nào được xây dựng ở Việt Nam.

Tránh hiện tượng mỗi địa phương một tượng đài


Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nói: “Xuất phát từ việc tránh tình trạng mỗi địa phương một tượng đài Quốc tổ nên ý tưởng về việc quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đã được hình thành. Cái khó cần được tham khảo, góp ý kiến là nên có bao nhiêu tượng đài; quy mô như thế nào; yêu cầu về không gian, thẩm mỹ ra sao (có nên thống nhất một khuôn mẫu không hay để các nghệ sĩ tự do sáng tạo); những địa phương nào được ưu tiên xây dựng…”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho rằng, nên chăng trong thời điểm này, chỉ cần xây dựng một tượng đài duy nhất ở đất tổ Phú Thọ thay vì đặt ra tiêu chí rộng như “địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc; địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia…”. Dưới góc nhìn khác, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất, nên chú trọng để lan tỏa mạnh mẽ tục thờ cúng Hùng Vương chứ không nên phát triển tượng đài. “Chúng tôi rất băn khoăn, bởi bản thân chúng ta đang nhân cách hóa một biểu tượng. Để thể hiện trên một hình tượng nghệ thuật là điều không phải không cần thiết, nhưng phải rất thận trọng. Hạn chế tối đa số lượng, chỉ nơi nào thật sự cần và tiêu biểu thì mới xây tượng đài, bởi còn có cả ý nghĩa hành hương. Nên có mẫu thống nhất chung, bởi lẽ khi tượng đã dựng lên thì rất khó có thể hạ xuống…”, ông Dương Trung Quốc góp ý. 

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng cho rằng, cần phải cẩn trọng, chi tiết trong việc xây dựng quy hoạch, bởi lẽ cũng đã từng có những trường hợp do không hiểu thấu đáo đã lôi thần phả, thần tích ra để làm ghi chú, gây ra nhiều phản ứng không tích cực bởi thông tin sai lệch về các vua Hùng.

Đánh giá cao những phân tích của các đại biểu, ông Vương Duy Biên cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến để hoàn thiện cho bản quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, bởi đây là vấn đề hàm chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống… Dự kiến, vào ngày 10-5 tới, Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục