Căng mình lo chỗ học cho “rồng vàng”

Năm học 2023-2024, áp lực tuyển sinh đầu cấp tại TPHCM đổ dồn vào lớp 6 do đây là lứa học sinh có năm sinh “rồng vàng” (năm 2012). Trong bối cảnh trường lớp chưa kịp xây mới, yêu cầu giải quyết chỗ học trở thành bài toán nan giải đối với nhiều quận, huyện.

Tăng sĩ số, giảm tỷ lệ 2 buổi/ngày

Ngày 4-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết, năm học 2023-2024, dự kiến tổng số học sinh tham gia tuyển sinh vào lớp 6 trên địa bàn quận tăng 1.000 em so với năm học trước.

Mặc dù không có dự án xây mới trường THCS nào, nhưng thời gian tới, sau khi Trường THCS Ngô Quyền (phường 12, quận Tân Bình) được cải tạo xây dựng mới trên nền cũ và đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết nhu cầu về chỗ học cho người dân.

Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 Dương Văn Dân thông tin, năm học tới, tổng số học sinh vào lớp 6 của quận là 5.405 em, tăng gần 800 học sinh so với năm học 2022-2023. Quận 8 chưa có dự án xây mới trường THCS trong năm học tới nên tùy vào tình hình thực tế ở từng khu vực, các trường sẽ tính toán tăng sĩ số học sinh/lớp hoặc giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.

Tại quận Gò Vấp, Trưởng Phòng GD-ĐT Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ, do gia tăng đột biến số lượng trẻ sinh năm “rồng vàng” nên học sinh vào lớp 6 năm nay tăng 1,5 lần so với số học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9). Bài toán chênh lệch giữa số lượng học sinh “đầu vào” và “đầu ra” khiến yêu cầu giải quyết chỗ học trở nên căng thẳng. Năm nay, quận không có dự án xây mới trường THCS hoặc cải tạo tăng số phòng học đi vào hoạt động.

Do đó, để giải quyết nhu cầu về chỗ học tăng cao, địa phương áp dụng các biện pháp như tăng sĩ số học sinh/lớp đối với các khối 7, 8, 9 để có đủ phòng học cho học sinh khối 6, tính toán giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày kết hợp triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (quận 7, TPHCM) tan trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Học sinh Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (quận 7, TPHCM) tan trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Riêng ở quận 12 (một trong các địa phương chịu áp lực khá lớn về gia tăng dân số cơ học), năm học 2023-2024, quận tăng 3.363 học sinh toàn bậc THCS, trong đó khối 6 tăng 1.774 em.

Dự kiến, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của bậc THCS năm nay buộc phải giảm từ 26,2% của năm học trước xuống còn 21,9% trong năm học này. Trong đó, dự kiến tuyển sinh mới 212 lớp 6, nhưng chỉ bố trí 59 lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ 27,8%.

Cân nhắc tổ chức đánh giá năng lực

Một trong những điểm mới của tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 là mở rộng loại hình trường tổ chức khảo sát đánh giá năng lực học sinh vào học lớp 6. Cụ thể, nếu như các năm trước, TPHCM chỉ có một trường tuyển sinh lớp 6 theo hình thức tổ chức khảo sát đánh giá năng lực học sinh là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), thì năm nay UBND TPHCM cho phép các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động kế hoạch tổ chức tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực học sinh đối với các trường THCS theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên thông tin, địa phương đang hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 để sớm công bố cho người dân. Trong đó, ngoài Trường THCS Trần Quốc Toản đã triển khai mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế, địa phương đang bổ sung hồ sơ xét duyệt thêm một số đơn vị thực hiện mô hình tiên tiến.

“Nếu có thêm đơn vị theo mô hình tiên tiến, địa phương sẽ tính toán phân bổ trường tổ chức bài khảo sát, trường xét tuyển để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập đa dạng của học sinh”, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết…

Tại các quận, huyện khác, nhiều trường THCS đang triển khai mô hình tiên tiến như THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), THCS Nguyễn Chí Thanh (quận 12), THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)… trong năm học tới vẫn tổ chức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển như các năm học trước.

Mặc dù đánh giá cao chủ trương mở rộng loại hình trường tổ chức khảo sát đánh giá năng lực học sinh vào học lớp 6 của UBND TPHCM nhưng lãnh đạo các phòng GD-ĐT đều cho biết, nguyên nhân khiến các địa phương thận trọng trong việc tổ chức tuyển sinh bằng khảo sát đánh giá năng lực học sinh lớp 6 là do cần thêm thời gian chuẩn bị đối với việc xây dựng khung tiêu chí đánh giá năng lực, ma trận đề thi đáp ứng yêu cầu công bằng, vừa sức với mặt bằng năng lực chung của học sinh thành phố.

Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu mỗi địa phương đều có trường THCS tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực thì sẽ gây quá tải cho học sinh. Tổ chức thế nào để không có sự chồng chéo giữa các quận, huyện cũng là bài toán cần tính đến.

Năm nay, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) duy trì hình thức tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực học sinh vào ngày 4-7. Đối tượng tham gia dự tuyển là học sinh đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 hai môn tiếng Việt và Toán từ 9 điểm trở lên.

Tin cùng chuyên mục