Ngày 17-11, tại TP Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.
Tham dự hội thảo lần này có gần 200 chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý và Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh ven biển và ngoại giao đoàn của các nước tại Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 17 và 18-11, với 7 phiên thảo luận.
Các nhà nghiên cứu, các học giả trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.
Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn
Phát biểu mở đầu hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm qua có lẽ là một trong những năm tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hy vọng của nhân dân trong khu vực về một biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại”.
Vì vậy, theo Đại sứ Đặng Đình Quý, biển Đông càng phức tạp, chúng ta cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi tiến hành các hoạt động ở biển Đông và liên quan đến biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở biển Đông.
Ông Yoji Koda, cựu Phó Đô đốc, Cố vấn Tập đoàn Liên hiệp Biển Nhật Bản nhận định: Tình hình hiện nay ở biển Đông hết sức nguy hiểm, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các quốc gia ở khu vực này lớn hơn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tác động tiêu cực đến sự phát triển
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nêu rõ, là một trong những địa phương tiền đồn của đất nước hướng ra biển Đông, các diễn biến trên biển, căng thẳng hay hoà dịu tại đây đều tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các sự cố xảy ra với ngư dân Đà Nẵng khi đánh bắt hải sản trên biển Đông nói chung hay tại ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa nói riêng, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
Ông Văn Hữu Chiến cho rằng, sự quan tâm hơn cả là sự suy giảm lòng tin: “Khi lòng tin bị xói mòn, yếu tố cơ bản gắn kết các dân tộc bị suy giảm thì xung đột khó tránh khỏi”.
Cựu Chuẩn Đô đốc Kazumine Akimoto, nghiên cứu viên cấp cao Quỹ nghiên cứu chính sách Hải Dương Nhật Bản cho rằng, nếu sự lưu thông trên các tuyến đường biển quan trọng bị gián đoạn thì hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Trong đó, biển Đông là tuyến đường huyết mạch của các nước trong khu vực, nên nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu các tuyến đường ở biển Đông bị đình trệ.
Cần nỗ lực của các bên
Hơn lúc nào hết, tình hình biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này. Vấn đề biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó.
Ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm cho biết, trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trong vấn đề biển Đông.
|
NGUYÊN KHÔI