Theo bảng đánh giá rủi ro toàn cầu mới nhất của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) của tờ The Economist (Anh) vừa công bố, nguy cơ chiến tranh tại biển Đông ở vị trí thứ 8 trong danh sách 25 mối đe dọa hàng đầu hiện nay trên thế giới. EIU cho rằng, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang ở biển Đông vì sự bành trướng của Trung Quốc đang gây ra một mối đe dọa lớn.
Mối lo bành trướng từ Trung Quốc
Trong phần đánh giá về nguy cơ ở biển Đông, EIU nêu ra một loạt các hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực biển này thời gian qua, trong đó có việc mới triển khai tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa (quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam), khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phản đối.
EIU viết: “Hành động khẳng định chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực, và tạo ra nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự tính toán sai lầm dẫn tới sự leo thang căng thẳng”. EIU cho rằng, bất kỳ sự tranh cãi xấu đi nào ở biển Đông cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ kinh tế trong khu vực và có nguy cơ gây trở ngại dòng chảy thương mại toàn cầu và xét ở phạm vi rộng hơn, làm suy giảm niềm tin vào kinh tế toàn cầu.
Người dân Philippines biểu tình phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông
Thời gian qua, Bắc Kinh vẫn không ngừng có các động thái gây sức ép với các bên có liên quan đến vấn đề biển Đông hoặc ủng hộ tranh chấp phải giải quyết theo luật pháp. Mới nhất, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 19-3 tiết lộ, trong cuộc họp cấp thứ trưởng Ngoại giao tại Nhật Bản cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã hối thúc Nhật Bản không đề cập về những tranh chấp giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng ở biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sắp diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 5 tới. Bắc Kinh “dọa” đề cập đến vấn đề này có thể sẽ gây phương hại tới những nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ song phương Trung Quốc - Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo đã từ chối yêu cầu của Bắc Kinh, đồng thời cho biết cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận việc xây dựng các đảo nhân tạo và hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Chối bỏ luật pháp quốc tế
Theo một bài phân tích vừa đăng trên nhật báo Philippines Inquirer, sau bước đầu tiên trong sách lược dùng luật lệ Trung Quốc để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của nước này tại biển Đông là từ chối tham gia vụ kiện của Philippines tại tòa án trọng tài Liên hiệp quốc tại The Hague (Hà Lan), Bắc Kinh đã đi bước kế tiếp như: loan báo thành lập cái gọi là trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế. Khi thông báo về trung tâm này, Tòa án tối cao Trung Quốc đã bắn đi một thông điệp ngang ngược rằng, Bắc Kinh sẽ dùng mọi cách để áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Theo Inquirer, trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế mà Trung Quốc dự trù thành lập cũng mang tính chất hung hăng chẳng khác gì các hành vi lấn chiếm của cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở biển Đông. Bởi tuyên bố của Trung Quốc có ý nghĩa là nước này sẽ thành lập một tòa án hàng hải quốc tế thay thế cho Tòa án trọng tài Liên hiệp quốc.
Đối với nhiều chuyên gia phân tích, trung tâm gọi là tư pháp hàng hải quốc tế đó là công cụ được Trung Quốc sử dụng để áp đặt luật quốc gia lên trên luật quốc tế, nếu phán quyết của tòa án quốc tế đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
ĐỖ CAO (tổng hợp)