Theo cuộc thăm dò dư luận Thái Lan về sửa đổi hiến pháp do báo Bangkok Post công bố ngày 19-7, có 68% người Bangkok được hỏi cho rằng xung đột chính trị là nguy cơ lớn nhất của Thái Lan, 51% cho rằng nếu Pheu Thai tiếp tục nỗ lực sửa đổi hiến pháp sẽ có biểu tình và bất ổn chính trị. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Điều này chứng tỏ cuộc đấu tranh sửa đổi hiến pháp hiện nay ở đất nước Chùa vàng đang rất căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến bất ổn chính trị xã hội. Mới đây, theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan, việc sửa đổi hiến pháp nước này phải thông qua trưng cầu dân ý, nếu không quốc hội sẽ phải sửa đổi từng phần một của hiến pháp. Thoạt nghe tưởng rằng chiến thắng này thuộc đảng cầm quyền Pheu Thai của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra vốn xem sửa đổi hiến pháp là ưu tiên hàng đầu trong lúc vận động tranh cử hồi năm 2011.
Thế nhưng, Pheu Thai không mong đợi trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp. Theo luật, việc sửa đổi hiến pháp phải được ít nhất 23 triệu trong tổng số 46 triệu cử tri chấp thuận. Trong cuộc bầu cử năm 2011, Pheu Thai nhận được 15 triệu phiếu bầu. Điều này có nghĩa là họ cần thêm ít nhất 8 triệu phiếu ủng hộ. Chưa hết, sau khi có dự thảo hiến pháp mới, trong vòng 120 ngày sau đó, Ủy ban bầu cử còn phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai chủ yếu về nội dung bản dự thảo này và số phiếu tối thiểu cần thiết cũng là 23 triệu. Chính các chuyên gia pháp luật của đảng Pheu Thai cũng phải thừa nhận rằng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử không có nghĩa sẽ chiến thắng trong trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp.
Từ năm 1932 đến nay, Thái Lan đã 17 lần sửa đổi hiến pháp. Cứ sau mỗi cuộc đảo chính, phe giành chính quyền lại sửa đổi hiến pháp để bảo vệ lợi ích của mình. Hiến pháp hiện hành của Thái Lan do phe quân đội soạn thảo sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin Shinawatra năm 2006 quy định rằng chỉ một số ghế thượng viện phải thông qua bầu cử, còn lại sẽ được chỉ định; ân xá các nhà lãnh đạo đảo chính đã tham gia lật đổ ông Thaksin Shinawatra, trao nhánh tư pháp nhiều quyền lực. Hiến pháp này bảo vệ tối đa quyền lợi quân đội và Tòa án Hiến pháp do quân đội kiểm soát. Đảng của bà Yingluck muốn thay đổi theo hiến pháp năm 1997 vì được xem là hiến pháp dân chủ nhất. Bởi nó quy định tất cả các ghế trong quốc hội đều phải thông qua bầu cử, nhiều quyền của con người lần đầu tiên được hiến pháp thừa nhận nhưng cũng gây tranh cãi khi muốn dọn đường để ông Thaksin trở về nước.
Cuộc đấu tranh sửa đổi hiến pháp sẽ còn rất gian nan bởi đến nay có thể nói đó thật sự là cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Bên cạnh đó, người dân hiện nay muốn tình hình đất nước ổn định để phát triển kinh tế hơn là chứng kiến những cuộc tranh giành quyền lực dẫn đến bất ổn và đổ máu. Do vậy dường như việc sửa đổi hiến pháp chưa trở thành mối quan tâm hàng đầu của người Thái
Khánh Minh