Căng thẳng Nga - Ukraine hâm nóng hội nghị NATO

Trong 2 ngày 4 và 5-12, ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận về một loạt thách thức an ninh, trong đó có quan hệ căng thẳng giữa Nga-Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Không muốn đẩy mạnh đối đầu

Vụ va chạm giữa tàu của Nga và Ukraine trên biển Azov vừa qua là nội dung quan trọng trong nghị trình cuộc họp của NATO. Phát biểu trước báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO kêu gọi Nga nhanh chóng trả tự do cho thủy thủ và tàu chiến của Ukraine, cũng như đảm bảo quyền tự do đi lại cho tàu bè trên biển Đen. Đồng thời khẳng định NATO có nhiều lợi ích ở biển Đen và do vậy, tiếp tục hiện diện về cả trên không, trên bộ và trên biển tại khu vực này. Các ngoại trưởng NATO cũng khẳng định sự ủng hộ với Ukraine và cam kết tăng cường hợp tác với Ukraine. Trước đó, ngày 1-12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hối thúc NATO điều chiến hạm đến biển Azov. Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg đã từ chối yêu cầu của Ukraine, một động thái cho thấy NATO không muốn căng thẳng trong khu vực bị đẩy đi xa hơn nữa. 

Căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu khi hãng tin TASS cho biết, Tòa án TP Kherson, Ukraine đã từ chối yêu cầu của chủ tàu về việc dỡ bỏ lệnh cấm rời cảng đối với tàu chở dầu Mekhanik Pogodin của Nga. Theo thuyền trưởng tàu chở dầu Mekhanik Pogodin, con tàu đang chở nhiên liệu diesel từ Turkmenistan đến Ukraine theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho một công ty Canada. Tàu chở dầu của Nga đã bị Cơ quan an ninh Ukraine chặn và tạm giữ tại cảng Kherson từ ngày 10-8 vừa qua, với lý do “chủ nhân của con tàu đã bị Kiev liệt vào danh sách đen”.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014, khi Moscow sáp nhập trở lại Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hôm 25-11.

Gia nhập NATO… không dễ

Ngoài ra, bộ trưởng ngoại giao các nước NATO cũng sẽ thảo luận về mong muốn của Ukraine và Gruzia tham gia liên minh, một điều mà Nga luôn phản đối. Tân Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili đã có một lập trường cứng rắn đối với Nga khi cho thấy quyết tâm đưa nước này tham gia NATO. Về vấn đề này, ông Stoltenberg thông báo các ngoại trưởng NATO thống nhất tiếp tục cùng làm việc để chuẩn bị cho Gruzia trở thành một thành viên của NATO. Tổ chức này ghi nhận những cải cách đáng kể của Gruzia cũng như những đóng góp của nước này cho nhiệm vụ ở Afghanistan. Còn với Ukraine, Tổng thư ký NATO cho biết tổ chức ghi nhận mong muốn gia nhập NATO cũng như sự nỗ lực cải cách của Kiev. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn và Ukraine cần tiếp tục cải cách trong thời gian tới. Trên thực tế, giới quan sát nhận định việc Ukraine gia nhập NATO thật sự không dễ dàng bởi nhiều quốc gia thành viên không mấy mặn mà với việc trao quy chế thành viên NATO cho Kiev. Việc nhận một Ukraine kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về chính trị cộng với sự phản đối bằng mọi giá từ Nga sẽ mang lại gánh nặng cho NATO nhiều hơn.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm trong hội nghị ngoại trưởng NATO lần này là về chi tiêu quân sự của khối. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến gặp những người đồng cấp khác và nhiều khả năng sẽ yêu cầu các nước đồng minh NATO chi tiêu về quân sự nhiều hơn. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Ngoại trưởng Pompeo sẽ kêu gọi một lần nữa các đối tác tăng cường chi tiêu quốc quốc phòng lên mức 2% GDP trước năm 2024, đồng thời đầu tư 20% số đó vào các thiết bị chủ chốt. Trên tài khoản Twitter cá nhân tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Liên minh châu Âu, trong nhiều năm, đã lợi dụng chúng ta về thương mại, và họ không tuân thủ những cam kết của NATO. Mọi việc cần phải thay đổi nhanh chóng!”.

Các ngoại trưởng NATO cũng sẽ thảo luận về vấn đề Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. Ngoài ra, các bên cũng sẽ thảo luận về Hoạt động kiên quyết hỗ trợ tại Afghanistan với khoảng 16.000 nhân viên từ 39 quốc gia thành viên và đối tác của NATO có nhiệm vụ huấn luyện, hỗ trợ các lực lượng Afghanistan…

Tin cùng chuyên mục