* Quân đội Ukraine tại Crimea quay sang ủng hộ Nga
* Người dân Crimea muốn trưng cầu dân ý vào ngày 30-3
(SGGPO).- Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Kiev, Ukraine vào ngày 4-3 trong một động thái nhằm ủng hộ ban lãnh đạo lâm thời Ukraine. Trong khi đó, Washington cũng bắt đầu xem xét các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sau khi Mátxcơva đưa quân vào Cộng hòa tự trị Crimea.
Trước đó, ông Kerry cảnh báo Nga có thể bị loại khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) và bị trừng phạt kinh tế.
Theo ông Kerry, sau cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Mỹ và các đồng minh của mình trong G8 chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga và ông cảnh báo rằng Nga có thể thiệt hại hàng tỷ đô la trong thương mại, đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ rời Nga.
Lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của ông Kerry với Nga được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo tạm thời của Kiev cảnh báo Ukraine đang trên bờ vực của thảm họa và kêu gọi tổng động viên. Mỹ, Anh và Pháp đã rút khỏi các cuộc họp chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh G8 vào tháng 6 tại Sochi. Washington và Canada còn đe dọa sẽ tẩy chay hội nghị thượng đỉnh này.
Một số cuộc đàm phán kinh tế đã bị hủy bỏ trong đó có chuyến thăm của một phái đoàn Nga tới Washington để thảo luận về năng lượng.
Hôm 2-3, NATO kêu gọi đưa quan sát viên quốc tế đến Ukraine, kêu gọi Nga rút quân khỏi Crimea. NATO cũng kêu gọi mở đàm phán Nga-NATO.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã loại trừ bất kỳ hành động quân sự của nào tại Ukraine.
Trong khi đó, tại Crimea, theo Russia Today, các lãnh đạo quân sự và an ninh tại Cộng hòa tự Crimea đã thề trung thành với Chính quyền tự trị tại đây.
KHÁNH MINH
Ngày 2-3, Ukraine và Nga vẫn đang ở trong thế căng như dây đàn. Sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn việc triển khai quân đến Crimea, Bộ Quốc phòng chính phủ lâm thời Ukraine đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày chỉ dừng lại ở những lời cáo buộc, cảnh báo qua lại.
Mối nguy chủ nghĩa cực đoan
Theo BBC, Tổng thống Obama đã cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi gửi quân đến Ukraine, bày tỏ quan ngại về việc Nga xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của nước láng giềng. Tổng thống Obama đã thúc giục Tổng thống Putin rút hết binh lính của Nga khỏi các căn cứ quân sự tại Crimea. Trong khi đó, Anh và Pháp tuyên bố không tham gia các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G8 ở Nga, còn NATO lên án việc Mátxcơva đưa quân vào Crimea là đe dọa “hòa bình và an ninh của châu Âu”
|
Đáp lại, Tổng thống Nga Putin khẳng định Mátxcơva hoàn toàn có quyền bảo đảm lợi ích và an toàn của người Nga tại Ukraine. Theo Tổng thống Putin, bạo lực đang leo thang nghiêm trọng tại Crimea. Nga không thể đứng ngoài và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để đảm bảo an toàn cho người dân của mình tại Ukraine.
Bộ Di trú của Nga cho biết chỉ trong 2 tuần cuối tháng 2 vừa qua, do lo sợ bạo loạn, đã có 143.000 người dân Ukraine xin đăng ký tị nạn tại Nga. “Người dân lo sợ về số phận của họ. Họ không chỉ muốn được bảo vệ mà còn mong sớm được trở thành công dân Nga”, Valentina Kazakova, người đứng đầu Bộ Di trú Nga cho biết. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, số người Ukraine tị nạn tại Nga vào khoảng 675.000 người.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh ngày 1-3 cho biết thêm khoảng 6.000 binh sĩ và 30 xe bọc thép của Nga đã được điều động đến Crimea. Trong khi đó, Ukraine đã kêu gọi tổng động viên và đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng chiến đấu. Thậm chí, Dmitry Yarosh, thủ lĩnh phong trào cực đoan Pravy Sektorm của Ukraine, còn kêu gọi Doku Umarov, một phần tử khủng bố bị Nga truy nã gắt gao, cùng bắt tay chống lại Nga. Mạng xã hội Vkontakte đăng tải lời kêu gọi như sau: “Người dân Ukraine được vũ trang ủng hộ các tay súng Chechen chống lại Nga. Umarov hãy hành động. Đây là cơ hội để giành chiến thắng”. Umarov là kẻ đã tiến hành rất nhiều vụ tấn công gây nhiều thương vong tại Nga, trong đó có vụ khủng bố ga tàu điện ngầm Mátxcơva năm 2010 và vụ đánh bom sân bay quốc tế Domodedovo năm 2011.
Đây chính là lý do mà Tổng thống Nga Putin cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng ông thật sự quan ngại về những kẻ cực đoan đang đồng lõa với “chính quyền tự phong” ở Kiev đang làm gia tăng bất ổn tại Ukraine. Trong các cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Putin cũng nhắc đến sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan tại Ukraine, đồng thời khẳng định Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Nga trước mối nguy này.
Đông Ukraine tiếp tục nóng
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên nhận định tình hình tại Ukraine đang ở trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Chỉ cần một động thái nhỏ của Ukraine hoặc Nga cũng có thể thổi bùng chiến sự giữa hai bên. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã thúc giục Nga và Ukraine phải sử dụng “cái đầu lạnh”, trong khi NATO nhấn mạnh sự cần thiết hạ nhiệt tại Crimea.
Trong khi đó, tại Crimea và khu vực phía Đông Ukraine, bầu không khí căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng xuống. Người dân ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych và Nga tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ lâm thời Ukraine. Khoảng 10.000 người đã tập trung ở trung tâm Donetsk, một trong những TP lớn nhất ở phía Đông Ukraine, chiếm tòa thị chính, kéo cờ Nga thay cho cờ Ukraine. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại Kharkov. Những người biểu tình kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của khu vực phía Đông Ukraine. Các vụ xô xát giữa phe phản đối chính quyền tạm thời Kiev và phe ủng hộ vẫn diễn ra. Theo Itar-Tass, khoảng hơn 110 người đã bị thương trong ngày 2-3 tại Kharkov. Khoảng 10 vụ nổ đã xảy ra cùng ngày. Phe ủng hộ Kiev đã dùng bom tự chế, lựu đạn ném vào những người biểu tình phản đối chính phủ tạm quyền.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
- HĐBA LHQ họp khẩn về khủng hoảng tại Ukraine
- Thượng viện Nga phê chuẩn triển khai quân đến Crimea