Sau những ngày nghỉ tết, thời tiết tại TPHCM đang ấm dần lên, nắng nóng vào buổi trưa nhưng vẫn còn se lạnh vào sáng sớm và tối. Theo nhiều bác sĩ, thời tiết thay đổi gây ra nhiều bệnh dịch ở trẻ em.
Gia tăng bệnh hô hấp, tay chân miệng
Sáng 3-2, các bệnh viện tại TPHCM đã bắt đầu có đông bệnh nhân đến khám và điều trị sau những ngày chơi tết và ăn tết. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM bế bé gái 3 tuổi trên tay, chị Hoàng Thị H. (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) rầu rĩ: “Mới ăn tết được 2 ngày thì cháu bị ho và sổ mũi suốt. Đầu năm ngại đi bệnh viện, còn phòng mạch tư nghỉ hết nên đợi sang đầu tuần mới đưa cháu đi khám”. Nhìn đứa bé cứ quấy khóc và có dấu hiệu suy hô hấp, bác sĩ đã khám và yêu cầu chị H. làm thủ tục nhập viện.
Theo các bác sĩ, bệnh hô hấp vẫn là chủ yếu nhưng rất nhiều trường hợp nặng do gia đình chủ quan mấy ngày tết không thăm khám, điều trị kịp thời. “Trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp. Đa số trường hợp là bệnh nhẹ với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… Tiếp đó là các bệnh viêm phế quản cấp, viêm phổi”, bác sĩ Nguyễn Thị Út, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết.
Ghi nhận trong tuần qua, các bác sĩ cho biết rất nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện do viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản. Ghi nhận tại các bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa nhi các bệnh viện quận 2, Thủ Đức trong ngày hôm qua cũng có rất nhiều cháu được theo dõi các bệnh về đường hô hấp. Ngoài lý do thời tiết chuyển mùa, các bác sĩ cũng cho biết do những ngày tết các bé uống nước ngọt có đá nhiều nên viêm họng cấp, và đi chơi về đêm không đảm bảo đủ ấm nên dễ viêm phổi, viêm phế quản cấp.
Trong khi đó, mặc dù chưa phải cao điểm bệnh dịch nhưng dịch bệnh tay chân miệng vẫn xuất hiện nhiều. Đứng tần ngần chờ đến lượt khám cho con trai 2 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào sáng 3-2, chị Nguyễn Thị Ngọc K. (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết từ mùng 1 Tết đã thấy bé có nhiều nốt đỏ ở lòng bàn tay, chân và mông nhưng cứ nghĩ muỗi đốt. Nhưng mãi 2 hôm sau các nốt đỏ không hết mà vỡ ra, có dịch nước nên mới đưa đi bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán con chị K. bị mắc tay chân miệng độ 1 và kê đơn thuốc gồm Okenxim 100mg, Zecuf SP 100ML cho về nhà điều trị.
Tương tự, con chị Trần Thị B. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa tròn 3 tuổi cũng được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 1. Ngoài 2 loại thuốc được kê như con chị K., cháu bé con chị B. được cho thêm thuốc Pepevit 50mg để uống. Theo các bác sĩ, dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác trong năm nhưng có xu hướng gia tăng vào các tháng 4, 5 và 6. Nay mới bước vào tháng 2 nhưng số ca mắc tay chân miệng đã gia tăng thấy rõ.
Để hạn chế dịch bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chăm sóc vệ sinh cho con em mình và khi nhận thấy trẻ sốt cao, nổi mụn bóng nước ở bàn tay, bàn chân thì đưa ngay đến cơ sở y tế. Tại khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 2, cũng đang có nhiều cháu được điều trị do mắc bệnh tay chân miệng. “Thời tiết nắng nóng kéo dài, vệ sinh kém đang khiến dịch bệnh tay chân miệng gia tăng”, một bác sĩ cho biết.
Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
Do những ngày tết ăn uống thất thường dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Cũng trong ngày 3-2, rất nhiều trẻ đã được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa khi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM. Theo các bác sĩ, sau tết luôn là thời điểm gia tăng các ca bệnh về rối loạn tiêu hóa, thậm chí không ít trẻ bị tiêu chảy cấp nhưng không được điều trị kịp thời.
Thông tin tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đã có hơn 80 trẻ đang điều trị nội trú do rối loạn tiêu hóa, tăng hơn nhiều các tuần trước đó. Một bác sĩ tại đây cho biết chủ yếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhưng có nhiều trẻ bị tiêu chảy kéo dài.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tổng kết tình hình khám chữa bệnh trong tháng 1 vừa qua cũng cho thấy nhóm bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu) tăng 3% so với tháng trước và dự báo trong tháng 2 này, số lượng bệnh nhân đường tiêu hóa sẽ tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ Lý Thị Kiều Diễm, Khoa Nội tổng quát 2, khuyến cáo khi bé bắt đầu có những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần điều trị ngay, tránh để tình trạng nặng hơn. Tùy vào từng triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ có phương pháp điều trị phù hợp như: Nếu bé bị táo bón, đầy bụng, khó tiêu thì nên xoa bụng, chườm nước ấm, không nên bắt bé ăn nhiều thức ăn, tăng cường chất xơ. Nếu bé bị tiêu chảy phải bù nước cho trẻ bằng cách uống nhiều nước, tốt nhất là uống Oresol (pha theo đúng chỉ định trên bao bì).
Không nên cho trẻ uống các loại nước hoa quả, nước giải khát quá ngọt vì chúng sẽ gây hiện tượng tiêu chảy thẩm thấu. Loại thực phẩm tốt nhất được khuyến cáo là cháo hoặc bột nấu với khoai tây, cà rốt, thịt nạc… “Nếu những biểu hiện trên không được cải thiện và có chiều hướng xấu, cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh những tác hại khôn lường”, BS Diễm lưu ý.
Tình trạng tiêu chảy ở trẻ cũng gia tăng sau tết, các bác sĩ cho biết các triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ khi đi tiêu chảy là: mệt mỏi; biếng ăn; li bì; tiêu phân lỏng; màu vàng hoặc xanh, có thể kèm đàm, máu hay thức ăn không tiêu (đi tiêu phân sống); buồn nôn, ói thức ăn; có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi gây nên tình trạng co giật; đau bụng; các triệu chứng mất nước: khát, tiểu ít, mắt trũng, môi khô, khóc không nước mắt, thóp trũng ở trẻ nhỏ, dấu véo da mất chậm.
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phải nghiêm túc thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua. Sử dụng cầu tiêu và xử lý phân trẻ nhỏ an toàn. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
QUỲNH CHI