Cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, không được lơ là

- Thông tin liên quan:
Cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, không được lơ là

Giữa tháng 4-2013, các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát gia cầm không rõ nguồn gốc ở khu vực biên giới phía Bắc. Đây là phản ứng phòng vệ cần thiết khi dịch cúm H7N9 vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Trong khi đó tại ĐBSCL, các địa phương đang lo lắng khi Đồng Tháp ghi nhận một bé trai 4 tuổi tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tử vong do cúm A (H5N1).

  • “Sổng” bệnh?

Trong tháng 1-2013, Campuchia thông báo đã phát hiện và ghi nhận 4 ca tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Sau đó, số ca tử vong do cúm H5N1 liên tục tăng tại nước này. Thời điểm này, Campuchia tiếp tục cảnh báo về nguy cơ dịch cúm A/H5N1 sẽ tái phát và tỉnh Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL có trường hợp tử vong do cúm H5N1 trên người. Tuy nhiên, điều mọi người đang quan tâm hiện nay là sự lơ là của chính quyền một số địa phương và người dân.

Khi chưa phát hiện dịch cúm, mọi việc có vẻ như trầm lắng nhưng sau ca tử vong cúm H5N1 trên người, bất ngờ ngành y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Có tới 24/70 mẫu gia cầm lấy tại các chợ trong tỉnh dương tính với cúm A/H5N1, chiếm 33%. Con số này khiến những người am hiểu về dịch cúm H5N1 không khỏi lo ngại. Bởi số gia cầm nhiễm bệnh này có thể là nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát trên diện rộng.

Điều dư luận quan tâm, có bao nhiêu gia cầm dương tính với H5N1 đã “sổng” khỏi cơ quan kiểm định ở Đồng Tháp. Hay nói rộng ra, ai kiểm tra số gia cầm sống, bán tràn lan hiện nay ở ĐBSCL, liệu trong số đó có gia cầm đã nhiễm bệnh?

Không ít địa phương còn khoán trắng cho lực lượng thú y trong phòng chống dịch. Ảnh: Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ nuôi gia cầm ở ĐBSCL.

Không ít địa phương còn khoán trắng cho lực lượng thú y trong phòng chống dịch. Ảnh: Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ nuôi gia cầm ở ĐBSCL.

  • Lo ngại vịt chạy đồng

“Không thể kiểm soát nổi vịt chạy đồng hiện nay” - ông Võ Bé Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp, nhận định. Ông Hiền mong có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng khác. Đồng Tháp và An Giang là hai địa phương đầu nguồn lũ, có diện tích đất sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL. Vì vậy, thường xuyên phải “đau đầu” quản lý đàn vịt chạy đồng rất lớn di chuyến đến khi thu hoạch lúa, bởi khác với gà, vịt mang bệnh khó có thể nhận ra qua những biểu hiện bên ngoài.

Bộ NN-PTNT cho biết đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam, giai đoạn 2013-1017”. Theo đó Bộ NN-PTNT đề xuất: tập trung tiêm phòng triệt để đàn vịt, khuyến kích tiêm phòng cho đàn gà. Đáng lưu ý, ngân sách địa phương đảm bảo mua vaccine tiêm phòng dịch, người chăn nuôi chi trả công tiêm phòng”. Đây là điều mà một số ngành thú y ở khu vực ĐBSCL lúng túng, vì trở tay không kịp, lấy đâu ra kinh phí để mua vaccine tiêm phòng. Lãnh đạo tỉnh nào linh hoạt thì xuất kinh phí mua vaccine tiêm phòng, còn tỉnh nào chậm, kế hoạch tiêm phòng vaccine sẽ “đầy da beo” là điều hiển nhiên.

“Khi có dịch cúm xảy ra nhiều ngành mới hỗ trợ ngành thú y dập dịch. Còn bình thường “khoán trắng” mọi việc cho ngành thú y. Người dân buôn bán gia cầm cũng thế, khi có dịch không bán gia cầm sống ở các chợ, khi hết dịch cúm lại bày bán tràn lan” - một cán bộ lãnh đạo thú y ở ĐBSCL nhận định.

Điều các cán bộ thú y lo lắng hiện nay là sự “xâm lấn” của các cơ sở bán thức ăn và thuốc thú y. Vì người chăn nuôi hiện nay gần như nghe theo “bài” của các cơ sở “dụ” mua thức ăn để đàn gia cầm tăng trưởng nhanh mà bỏ qua khâu tiêm phòng vaccine. “Tiêm vaccine khi gia cầm còn nhỏ sẽ làm gia cầm yếu, sốc… tăng trưởng chậm. Đây là cách tuyên truyền phản khoa học của mấy tay bán thức ăn gia súc” – một cán bộ thú y ngao ngán nói.

Xem ra, việc tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm ở các chợ từ quê đến thành phố mới là vấn đề cần thiết nhất hiện nay. 

CAO PHONG

Long An: Chim yến chết không do virus H5N1

Chiều 17-4, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: Việc 3 con chim yến chết tại nhà nuôi chim yến Hoa Mai ở số 136 đường Hùng Vương thuộc phường 2, TP Tân An đã được cơ quan thú y tỉnh lấy mẫu đưa đi xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus H5N1. Ngoài 3 con chim chết, mẫu 2 con chim sống cùng đưa đi xét nghiệm cũng âm tính với virus H5N1.

Cũng theo ông Đức, tuy chim yến ở nhà nuôi này không nhiễm virus H5N1 nhưng ngành thú y cũng đã cho phun thuốc tiêu độc khử trùng và yêu cầu chủ nhà nuôi này trong vòng một tháng phải di dời cơ sở nuôi chim yến đi nơi khác vì đây là khu dân cư tập trung. Theo Chi cục Thú y Long An, toàn tỉnh có 24 cơ sở nuôi với khoảng hơn 5.000 con chim yến. Riêng TP Tân An có 4 cơ sở, với hơn 600 con.
 

ĐĂNG NGUYÊN

*****

Tại cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng - Lạng Sơn), những ngày gần đây lưu lượng người xuất nhập cảnh qua lại gia tăng nhưng hệ thống máy đo thân nhiệt đột nhiên trục trặc. Tổ kiểm dịch y tế Tân Thanh phải đo nhiệt nhanh bằng phương pháp thủ công.

Tại cửa khẩu Móng Cái chưa phát hiện khách nhập cảnh có biểu hiện nhiễm cúm A/H7N9 nhưng mới đây phía Trung Quốc qua đo thân nhiệt đã phát hiện 2 người Việt Nam nhập cảnh sang Trung Quốc bị sốt và đã bàn giao trở lại cho Trung tâm Kiểm dịch y tế Quảng Ninh để theo dõi. Qua xét nghiệm cả 2 người này đều nhiễm cúm A/H1N1. Hiện cả hai người (một ở Thanh Hóa, một ở Móng Cái - Quảng Ninh) đều đã bình phục.

VĂN PHÚC - QUỐC KHÁNH


Phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm 

(SGGP).- Sáng 17-4, Đồn Biên phòng Chi Ma (Lộc Bình-Lạng Sơn) phối hợp với lực lượng hải quan và dân quân xã Tú Mịch (Lộc Bình) phát hiện 2 vụ buôn lậu 5.500 con gà, vịt giống từ Trung Quốc vào nội địa tại khu vực cột mốc 1227-2, cơ quan chức năng đã tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trên. Trước đó một ngày, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Chi Ma cũng phát hiện vụ vận chuyển 1.800 con gà giống và 900 con ngỗng giống từ Trung Quốc vào khu vực giáp ranh giữa bản Phải và bản Luồng, xã Tú Mịch.

Đội QLTT (thuộc Chi cục QLTT Móng Cái, Quảng Ninh) số 4 vừa phối hợp Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an kiểm tra xe tải 34C-02905 tại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái phát hiện 34 chiếc lồng chứa 1.024kg chim bồ câu, không có giấy tờ kiểm dịch, hóa đơn xuất xứ.

Đầu ngày 17-4, tại khu vực Trạm thu phí cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long), Đội Kiểm soát hải quan số 2 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phối hợp Công an TP Hạ Long kiểm tra ô tô 14C - 025.65 chở lậu 3,7 tấn mèo sống, xuất xứ Trung Quốc. Theo lời khai của lái xe, số mèo trên do ông Nguyễn Đức Cảnh (ở xã Hải Tiến, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và ông Nguyễn Văn Đức (ở xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) góp tiền mua chung để mang về Bắc Ninh tiêu thụ.

Cùng thời gian, tại quốc lộ 18A thuộc địa bàn phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ô tô khách 14B-004.29 chở 24 con chim đại bàng, trong đó 4 con còn sống, 20 con đã cấp đông. Lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên.

Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Khánh Hòa) cho biết, qua khám xét cơ sở của ông Nguyễn Chánh (36 tuổi, tại thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), lực lượng chức năng đã thu giữ 6 con rắn hổ mang, 59 con rùa răng, 6 con rùa Trung bộ, 1 con kỳ đà, 4 con chồn hương, 25 con dúi, do nuôi nhốt trái phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ và bàn giao Hạt Kiểm lâm TP Cam Ranh xử lý. 

TRẦN PHÚC - KHÁNH NGUYỄN - VĂN NGỌC

- Thông tin liên quan:

>> Người nuôi bị “cúm” theo yến

>> Giám sát chặt dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1: Quy trách nhiệm chủ tịch và công an xã, phường

>> Chưa phát hiện cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở "điểm nóng" Bắc Giang

Tin cùng chuyên mục