Người nuôi bị “cúm” theo yến

Sau khi thông tin yến nuôi tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) bị nhiễm virus cúm A/H5N1, những người nuôi yến từ ngạc nhiên đến bàng hoàng và lo âu. Vấn đề hiện nay của người nuôi và nhà quản lý không chỉ chim yến chết vì H5N1 mà còn nhiều vấn đề liên quan đến việc nuôi, tiêu thụ sản phẩm.
Người nuôi bị “cúm” theo yến

Sau khi thông tin yến nuôi tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) bị nhiễm virus cúm A/H5N1, những người nuôi yến từ ngạc nhiên đến bàng hoàng và lo âu. Vấn đề hiện nay của người nuôi và nhà quản lý không chỉ chim yến chết vì H5N1 mà còn nhiều vấn đề liên quan đến việc nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

  • “Nghi án” H5N1?

Những người nuôi yến đều nhìn và nghe ngóng tình hình khi ngày 16-4, Cơ quan Thú y vùng 6 có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh Ninh Thuận về việc yến nuôi bị chết những ngày qua. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, cho biết yến vẫn chết ở nhà nuôi (Rạp hát Thanh Bình) nhưng với số lượng ít, khác với trên đàn gia cầm có tốc độ lây lan và số lượng chết rất cao. Theo ghi nhận ban đầu, toàn bộ 43 mẫu chim yến chết xét nghiệm đều dương tính với virus cúm A/H5N1, nhưng mẫu chim yến sống, tổ yến và mẫu phân lấy từ 28 nhà nuôi đều âm tính (không có H5N1). TP Phan Rang – Tháp Chàm có 59 nhà nuôi yến, trong đó 35 nhà nuôi có yến vào ở.

Với những người nuôi yến đây là “nghi án” cần làm rõ. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Anpha, vì sao chỉ có yến chết là dương tính với H5N1 trong khi yến sống mẫu phân đều không tìm thấy H5N1? Điều này có mâu thuẫn không khi virus cúm A/H5N1 hiện diện môi trường sẽ lây lan nhanh và gây chết hàng loạt nhưng thực tế chỉ chết có vài con một ngày như ghi nhận của Cơ quan Thú y vùng 6. Hầu hết người nuôi yến cho rằng, nếu chỉ có 2 nhà nuôi bị nhiễm mà công bố dịch và tiêu hủy thì chưa “tâm phục khẩu phục”. Trước hết cần làm rõ điều này để có cách giải quyết thấu tình đạt lý hơn.

Trước đó, tại buổi tổng kết 2 năm dự án nuôi chim yến ở Cần Giờ, các nhà khoa học cho biết những nước nuôi yến lâu đời như Indonesia, Malaysia, Thái Lan lượng nhà yến lên đến hàng trăm ngàn căn, như Malaysia, nuôi sau Indonesia nhưng đã có khoảng 100.000 nhà yến (Việt Nam chỉ khoảng 5.000 căn), trong đó, rất nhiều nhà ở khu dân cư. Phía dưới người ở, sinh hoạt, buôn bán, phía trên nuôi yến nhưng đến giờ vẫn chưa ghi nhận bị nhiễm virus H5N1.

Bà Trần Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH Yến Đất Việt, người nuôi yến đầu tiên ở Cần Giờ cho rằng, nuôi gà, vịt, nếu chết hay tiêu hủy đàn này dễ dàng gây dựng lại đàn khác rất nhanh chóng, nhưng nuôi yến không như thế được. Do vậy, nên hết sức cân nhắc và thận trọng. Vì đây là loại chim quý, mang lại lợi nhuận rất cao, phải mất thời gian dài (2 đến 3 hoặc 5 năm) mới có thể gầy dựng được đàn chim vào nhà.

Sau 10 năm “sống chung” với cúm gia cầm H5N1, kinh nghiệm phòng chống ở Việt Nam có thể nói khá dày dạn, không thể hoảng loạn như thời gian đầu xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 vào cuối năm 2003 đầu năm 2004, lúc đó ngành nông nghiệp chỉ đạo phải tiêu hủy hết các loại gia cầm, kể cả chim nuôi trong đường kính 2km tính từ nơi có dịch bệnh, làm thiệt hại rất lớn. Do vậy, chỉ khi trả lời hết các thắc mắc một cách thuyết phục và đưa ra biện pháp xử lý hợp tình, người nuôi sẵn sàng hợp tác. Một điều lưu ý khác, tin đồn nhà yến của Công ty Y.V ở huyện Cần Giờ cũng bị chết hàng loạt, nhưng lãnh đạo huyện Cần Giờ xác định không ghi nhận trường hợp yến chết nào ở xã Tam Thôn Hiệp.

  • Giá yến giảm mạnh

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, với hệ thống 17 cửa hàng kinh doanh yến Sài Gòn Anpha ở TPHCM, cho biết từ khi xảy ra thông tin yến chết vì nhiễm H5N1, mọi giao dịch liên quan đến nuôi yến và việc kinh doanh tổ yến bị đình trệ rất rõ. Lượng người đến ăn hay mua tổ yến về chế biến giảm khoảng 50%. Đây là điều thật đáng tiếc khi nghề nuôi yến của nước ta còn rất non trẻ so với các nước trong khu vực.

Theo bà Trần Bạch Mai, hiện nay là mùa chim nở, việc thu hoạch tổ yến tạm dừng nên chưa biết giá bán sẽ như thế nào. Tổ yến Việt Nam dù được nhà nhập khẩu đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn những nước khác trong khu vực, nhưng giá yến của Việt Nam giao dịch những năm qua giảm rất nhanh. Từ năm 2010 về trước, 1kg tổ yến người nuôi bán sỉ từ 38 triệu đồng trở lên, năm 2011 giảm xuống còn khoảng 30 triệu đồng, thế nhưng cuối năm 2012 chỉ còn 21-22 triệu đồng/kg.

Lý giải về vấn đề này, bà Mai cho rằng, một số người ham lợi đã nhập tổ yến của Malaysia để “độn hàng” bán theo giá của yến Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Malaysia bị Trung Quốc (thị trường nhập khẩu lớn) ngưng mua yến, một lượng lớn tổ yến từ Malaysia đã được nhập vào Việt Nam chỉ khoảng 10 triệu đồng/kg. Giá rẻ tương ứng với chất lượng kém. Họ dùng nhiều “chiêu” để qua mắt người mua. Điều này đã làm giá yến trong nước tụt giảm mạnh. Do đó, hiện nay, yến bán trên thị trường đa phần là yến Malaysia. Điều đáng nói, thương hiệu yến của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trước sau gì người mua nước ngoài cũng nhận ra và sẽ mất dần niềm tin vào chất lượng tổ yến Việt Nam.

ĐĂNG LÃM

Tại cuộc họp giao ban khẩn về phòng, chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chiều 16-4 do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay đã có 4.000 con chim yến tại tỉnh Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1. Tất cả các mẫu thịt chim yến chết do các đơn vị lấy xét nghiệm, người dân gửi đến đều cho kết quả dương tính với H5N1. Tuy nhiên, mẫu chim sống, phân và tổ chim yến lại cho kết quả âm tính. Các cơ quan chức năng đã lấy 180 mẫu chim yến sống, 120 mẫu phân và 144 mẫu tổ yến, nhưng đều có kết quả âm tính. Trước hiện tượng trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, chim yến tại Ninh Thuận chết là do cúm A/H5N1. Điều lo ngại cho đàn chim yến ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước… là nếu bị lây lan ra diện rộng sẽ rất khó kiểm soát. Theo ông Thành, tại Tiền Giang vừa phát hiện 177 con chim trĩ bị nhiễm virus cúm gia cầm H5N1.

Chiều 16-4, phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, cho biết: đàn chim yến tự nhiên và nuôi tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, chưa phát hiện trường hợp chim chết do nhiễm virus H5N1. Tại thời điểm này, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đang quản lý và khai thác 156 hang yến trên các đảo, 11 cơ sở nuôi yến trên đất liền, đồng thời tư vấn kỹ thuật cho 18 cơ sở nuôi yến của dân.

* Ngày 16-4, phối hợp với huyện Cần Giờ, Chi cục Thú y TPHCM lấy 8 mẫu từ 8 nhà yến ở các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh để kiểm tra virus cúm A/H5N1. Theo huyện Cần Giờ, toàn huyện có gần 200 nhà nuôi yến, đến nay chưa xảy ra tình trạng yến chết. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong những ngày tới.

VĂN NGỌC - TRẦN PHÚC - CÔNG PHIÊN


Kiểm soát gà lậu, dịch cúm H5N1 và H7N9 tại biên giới phía Bắc

* Ngăn chặn 16.000 con gà nhập lậu

(SGGP).- Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết vào khoảng 6 giờ 30 ngày 16-4, trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Uông Bí đã phát hiện xe tải 14N-3997 chở 16.000 con gà giống nghi ngờ nhập khẩu từ Trung Quốc. Lái xe là Đoàn Thanh Quang (24 tuổi, trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) lái xe từ hướng Móng Cái về huyện Đông Triều (Quảng Ninh) nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cũng vào chiều qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên người của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị khẩn triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm A trên người (H1N1, H5N1, H7N9). Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên người tỉnh Quảng Ninh cho biết trong khi dịch cúm A/H7N9 đang có nguy cơ bùng phát mạnh ở Trung Quốc làm 14 ca tử vong và ở Việt Nam đã có trường hợp tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1, tại Quảng Ninh, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát rất cao. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã có 11 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa phát hiện bệnh nhân cúm A/H5N1, cúm A/H7N9.

Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch cúm xâm nhập và bùng phát trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, hiện nay địa phương đang gặp một số khó khăn tại các cửa khẩu, do lượng khách xuất nhập cảnh tăng cao nhưng thiếu máy đo thân nhiệt, tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn xảy ra.

Trong khi đó, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết sau khi thông tin về cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, số bệnh nhân tới khám do cúm tăng khoảng 10% so với trước đây, với các biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người. Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết để nhận diện bệnh nhân mắc chủng cúm nào thì phải dựa vào đặc điểm dịch tễ cũng như kết luận của xét nghiệm PCR.

Về virus cúm H7N9, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng chủng virus này đã được phát hiện trên chim hoang tại Mông Cổ, Hàn Quốc từ khá lâu. Song trên thế giới đến nay chưa ghi nhận nước nào có dịch cúm H7N9 xảy ra trên gia cầm. Tại Trung Quốc, cũng mới ghi nhận trên người. Có thể khi lây lan sang người, virus H7N9 đã có sự biến đổi với độc lực mạnh, gây tử vong cao.  

PHÚC VĂN - QUỐC KHÁNH

- Thông tin liên quan:

>> Giám sát chặt dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1: Quy trách nhiệm chủ tịch và công an xã, phường

>> Chưa phát hiện cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở "điểm nóng" Bắc Giang

Tin cùng chuyên mục