Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết do virus Ebola

Ngày 1-8, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) do virus Ebola gây ra đang hoành hành tại một số quốc gia vùng Tây phi làm hàng ngàn người mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

(SGGPO). - Ngày 1-8, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) do virus Ebola gây ra đang hoành hành tại một số quốc gia vùng Tây phi làm hàng ngàn người mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo đó, bệnh SXH do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 90% nên được xếp vào nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm.

Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới. Đáng lưu ý, virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng). Đặc biệt, cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp.

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12-2013 tới 31-7-2014 đã ghi nhận 1.201 trường hợp nhiễm virus Ebola trong đó có 672 trường hợp tử vong tại 3 nước vùng Tây Phi gồm: Guinea (427 trường hợp), Liberia (249 trường hợp) và Sierra Leone (525 trường hợp).

Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc WHO cùng các đối tác đã họp bàn và thảo luận các biện pháp tập trung vào việc triển khai ngay các nguồn lực nhằm trợ giúp các quốc gia ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bao gồm: Điều tra dịch tễ học; Theo dõi các người tiếp xúc gần; Cung cấp thông tin cho cộng đồng; Huy động cộng đồng chống dịch bệnh; Quản lý điều trị ca bệnh; Phòng chống lây nhiễm và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, đến nay, WHO vẫn chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại hoặc giao lưu thương mại áp dụng với các quốc gia nói trên. Nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp, do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh.

QUỐC LẬP

>> Virus Ebola làm hơn 100 người chết ở Tây Phi

>> Virus Ebola tiếp tục lan rộng

>> Đức tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Ebola từ Tây Phi

>> Bác sĩ đầu tiên chết vì Ebola


Tin cùng chuyên mục