Năm 2013, số vụ tranh chấp lao động tập thể tại TPHCM không tăng so với cùng kỳ, song lại phát sinh hệ lụy là hành vi “tự xử” trong công nhân (CN), do chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn.
Xin nghỉ việc qua bưu điện
Vì không cạnh tranh được với các DN trên địa bàn về tiền lương, phụ cấp cho người lao động nên tại Công ty TNHH M.Ng. (quận Thủ Đức) liên tục xảy ra tình trạng CN xin nghỉ việc. Tuy nhiên, khi CN đến nộp đơn xin nghỉ việc thì phòng nhân sự lại không nhận đơn và công ty cũng không giải thích lý do cho người lao động. Làm việc với Phòng LĐTB-XH quận Thủ Đức, lãnh đạo công ty vẫn một mực cho rằng không biết gì hết! Sau đó, theo hướng dẫn của hòa giải viên lao động quận, CN đành phải gửi đơn xin nghỉ việc bằng nhiều cách, như gửi thư trực tiếp cho bảo vệ (có ký nhận), thậm chí gửi thư qua đường bưu điện! Nhờ đó, DN mới không thể chối từ việc giải quyết nghỉ việc cho CN.
Theo ông Nguyễn Văn Thì, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH quận Thủ Đức, vẫn còn một số CN không biết hoặc không nắm rõ để yêu cầu các thiết chế quan hệ lao động (hòa giải, trọng tài và tòa án lao động) hỗ trợ thì DN không giải quyết cho CN được nghỉ việc đúng luật. Từ đầu năm, quận đã hỗ trợ, tư vấn cho hàng trăm trường hợp thắc mắc về quyền lợi.
Tương tự, bà Trịnh Thị Phương Châm, Trưởng Phòng LĐTB-XH quận 1 lo ngại, trên địa bàn rộ lên tình trạng tranh chấp lao động cá nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu do DN nợ, không đóng BHXH, không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động nghỉ việc. Theo các quận, huyện, hầu như khi cơ quan chức năng “đụng” đến DN nào thì DN đó vi phạm pháp luật lao động. Mỗi quận, huyện thường quản lý trên dưới 10.000 DN. Tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến và đang quá sức quản lý của các địa phương. Quận Tân Phú có khoảng 12.000 DN nhưng cả năm trời, đoàn kiểm tra của quận chỉ đến được 250 - 300 DN.
Chung nỗi niềm, bà Nguyễn Thị Hồng Bạch, Trưởng phòng LĐTB-XH quận Bình Tân, trăn trở: “Ngày nào quận cũng đi kiểm tra nhưng không xuể, DN quá nhiều, nhân sự của phòng không kham nổi”. Các quận, huyện đề nghị TP nên tăng cường cho quận, huyện thanh tra lao động để xử lý các vi phạm pháp luật lao động.
Báo động nguy cơ “tự xử”
Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm 2013, xảy ra 85 vụ tranh chấp lao động tập thể với hơn 26.000 người tham gia (giảm 3 vụ và giảm khoảng 22.000 người tham gia so với cùng kỳ 2012). Nguyên nhân cơ bản do DN nợ, trả thiếu hoặc chậm trả tiền lương, tiền thưởng cho CN.
Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi), bất cập trong điều hành, quản lý, cơ chế trả lương của DN, sự khác biệt về ngôn ngữ là những nguyên nhân khiến tranh chấp luôn âm ỉ. Nhiều giám đốc mới nhậm chức coi nhẹ hoạt động của công đoàn. Đến khi tranh chấp xảy ra, công đoàn đứng ra giải quyết thì DN mới có cái nhìn khác về công đoàn! Nếu đội ngũ cán bộ công đoàn không bản lĩnh, chuyên môn chưa vững thì việc hàn gắn quan hệ lao động gặp rất nhiều trở ngại. Tại Hansae, do cách hành xử của quản lý người nước ngoài chưa phù hợp nên CN đã đình công đòi thay đổi người quản lý.
Điều các quận, huyện lo ngại là do một số chủ DN bỏ trốn nên dẫn đến nguy cơ “tự xử” trong CN. Mới đây, ngày 9-10, CN Công ty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc; chuyên sản xuất hàng may mặc; đóng tại huyện Hóc Môn) đã đòi dỡ nhà xưởng, bán máy móc để cấn trừ tiền nợ lương.
Trước đó, từ đầu năm 2013, ông Jung Young Woo (giám đốc, quốc tịch Hàn Quốc) đã vắng mặt ở công ty. DN liên tục chậm, trả lương nhỏ giọt và đến tháng 9-2013, số nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của 180 CN đã lên tới gần 1 tỷ đồng. Trước tình trạng chủ DN vắng mặt và quyền lợi bị ảnh hưởng, ngày 10-10, gần 180 CN đã khiêng máy móc ra ngoài sân định bán để lấy lại tiền lương. Rất may, trước sự bức xúc dồn nén của CN, các cơ quan chức năng xã, huyện phải tạm hóa giải bằng việc khóa cổng công ty, để CN không tự ý bán máy móc.
Theo các địa phương, ở những DN có chủ bỏ trốn, không ai quản lý, CN phải giữ máy móc, bảo vệ tài sản ít ỏi của nhà xưởng để trông chờ cơ quan chức năng thanh lý, chi trả tiền lương. Nếu không can thiệp kịp thời để bớt thiệt hại cho người lao động thì rất dễ dẫn đến việc “tự xử” trong CN và lúc đó CN từ người bị hại có khi lại trở thành người vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, vấn đề chủ DN bỏ trốn nổi lên từ năm 2009, song đến nay, vẫn chưa có biện pháp giải quyết tình trạng này. Thủ tục phá sản quá nhiêu khê dẫn đến tình trạng DN “chết nhưng không có chỗ chôn”. Việc xử lý tài sản DN có chủ bỏ trốn không có lối ra, trong khi tài sản chủ DN để lại cũng không còn nhiều giá trị; công tác hỗ trợ cho CN cũng không có căn cứ để hỗ trợ bởi vấn đề chủ DN bỏ trốn chưa được luật hóa, không có quy định về tiêu chí xác định “bỏ trốn” là như thế nào.
| |
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP