Cảnh báo từ môi trường

Hơn một năm đã trôi qua nhưng câu hỏi về hiệu quả việc xử lý sự cố sau vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân vẫn chưa có lời giải đáp. Theo tờ South Morning China Post, công tác khắc phục hậu quả các khu vực đất nhiễm hóa chất đang diễn ra chậm chạp, thông tin chi tiết về công tác này cũng không được công khai. Điểm sáng duy nhất sau sự cố là việc bố trí di dời và đền bù cho cư dân sống quanh khu vực này diễn ra rất khẩn trương. Tuy nhiên, những điều này vẫn không khiến cho người dân an tâm.

Ngày 12-8-2015, vụ nổ kho hàng tại cảng Thiên Tân gây chấn động dư luận Trung Quốc. Theo công bố chính thức từ các cuộc điều tra của chính phủ, nồng độ chất độc cyanide trong nước tại khu vực gần vụ nổ nhà kho ở Thiên Tân cao hơn mức cho phép 356 lần. Kho hàng  này chứa 40 loại hóa chất độc hại, bao gồm 1.300 tấn hóa chất oxy hóa dễ nổ, 700 tấn hóa chất, chủ yếu là cyanide và 500 tấn chất dễ cháy. Thiệt hại ước tính khoảng 1,1 tỷ USD. Hơn 170 người chết, gần 800 người bị thương. Vụ nổ cũng phơi bày nạn tham nhũng trong chính quyền địa phương. Khoảng 120 người, trong đó có nhiều quan chức tại Thiên Tân đã bị thẩm vấn để phục vụ cho công tác điều tra. Một số nhân vật có liên quan đến vụ nổ đã bị xử phạt. Mới đây nhất, ngày 22-8, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc ra thông báo đã tiến hành điều tra đối với ông Doãn Hải Lâm, Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân, do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một cụm từ thường được dùng để chỉ hành vi tham nhũng của quan chức Trung Quốc. Ông Doãn Hải Lâm là một trong những quan chức của Thiên Tân từng bị kiểm điểm do liên đới trách nhiệm trong vụ nổ kho hóa chất.

Chính quyền Thiên Tân đã bỏ qua thời hạn chót về việc đưa khu vực xảy ra thảm họa nổ hóa chất thành công viên sinh thái vào cuối tháng 7 năm nay. Lời cam kết đào toàn bộ diện tích đất nhiễm độc để biến thành đất sạch cũng chưa được hoàn thành. Người dân ở Thiên Tân cảm thấy hoang mang vì hầu như không thể tiếp cận được các thông tin về xử lý sự cố chỉ vài tháng sau khi vụ nổ xảy ra. Họ lo lắng về sức khỏe của mình và cả các thế hệ sau này. Những âu lo của người dân là có cơ sở. Bởi lẽ, theo tổ chức Greenpeace, Trung Quốc vẫn buông lỏng quản lý các loại hóa chất lưu hành trên thị trường. Một nhóm các nhà môi trường ở Thượng Hải cho biết, dựa trên khảo sát gần đây, trong số 31 tỉnh thành, chỉ có Chiết Giang là cung cấp đầy đủ thông tin trong hoạt động mua bán, lưu trữ các hóa  chất nguy hiểm. Các địa phương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân đều chưa có sự minh bạch.

Sau vụ nổ Thiên Tân, dù đã phát động chiến dịch kiểm tra các công ty có liên quan đến hoạt động mua bán và sản xuất hóa chất nhưng vẫn có 10 vụ nổ xảy ra tính đến tháng 8-2016, giết chết 12 người và làm 40 người bị thương. Đáng lưu ý là một trong số các vụ nổ xảy ra ở Thiên Tân. Số còn lại diễn ra ở Hàng Châu, Vũ Hán, Nam Kinh.

Do phát triển nóng, Trung Quốc đã và đang chịu những hậu quả lớn về môi trường. Câu chuyện ở Thiên Tân chỉ là một ví dụ. Câu chuyện này liệu có tiếp diễn hay không thì còn tùy thuộc rất nhiều vào cách xử lý và các biện pháp ngăn chặn các thảm họa xảy ra trong tương lai của Chính phủ Trung Quốc.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục