Thư nước ngoài
Thông tin chính quyền Tokyo cam kết mở rộng cửa hơn để thu hút các lao động trình độ cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng của thành phố, lấy lại danh tiếng và cạnh tranh với các đối thủ châu Á đã làm không ít bạn bè tôi cảm thấy phấn khởi. Thực ra, tin Chính phủ Nhật Bản nới lỏng chính sách nhập cư thu hút lao động đã nghe râm ran từ tháng trước nhưng đến hôm nay mọi người mới thực sự an tâm.
Với chính sách mở cửa hơn, Chính phủ Nhật Bản đồng ý tạo điều kiện thông thoáng để các tập đoàn thuê người nước ngoài có kỹ năng. Việc bổ sung nhân lực cho các vị trí từ lãnh đạo xuống tới tập sự sẽ hỗ trợ cho nguồn nhân lực đang giảm dần và tăng tốc phát triển kinh tế. Luật về thị thực mới tại Nhật Bản có hiệu lực từ đầu năm 2015, dự kiến sẽ thu hút 70.000 lao động nước ngoài trong 5 năm.
Từ trước đến nay, Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có chính sách nhập cư rất chặt chẽ trong số các quốc gia phát triển trên thế giới. Đây cũng là một trong các nền kinh tế phát triển có ít người nước ngoài sinh sống nhất. Tỷ lệ người ngoại quốc sống tại Nhật Bản chỉ là 1,7% so với con số 5,8% ở Pháp, hay 8,7% tại Đức và hơn 7% ở vương quốc Anh.
Nước Nhật đang phải đối mặt với bất lợi không nhỏ là xã hội già với 1/4 dân số trên độ tuổi 65. Hiện nay, một số ngành công nghiệp tại Nhật Bản như xây dựng, chăm sóc trẻ em, người già… đang đối mặt với thiếu hụt lao động. Những chính sách mở cửa mới cho phép doanh nghiệp có thể giữ lại nhiều lao động nước ngoài hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành này.
Hiện tại, 41% doanh nghiệp trong ngành xây dựng thiếu nhân công, trong khi đó 1/3 nhân viên tuổi đã ngoài 55 mà trong tương lai không xa số này sẽ phải về hưu. Chỉ tính riêng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè 2020, Nhật Bản cần tuyển dụng thêm 25.000 công nhân xây dựng, 50.000 nhân sự cho ngành du lịch và phân phối lưu thông. Nhìn đến dịch vụ trợ giúp, chăm sóc người già, nước Nhật trong thập niên tới ước tính sẽ thiếu đến một triệu lao động.
Phát biểu với báo chí, Thị trưởng Tokyo Masuzoe nhấn mạnh: “Chúng tôi rất cần những tài năng trẻ”. Tuy là một quốc gia phát triển nhưng trong thời gian gần đây, có nhiều lo ngại cho rằng Tokyo đang giảm dần tính cạnh tranh so với những thành phố thương mại châu Á khác sau hai thập kỷ trì trệ kinh tế và những chính sách kinh tế chưa theo kịp xu hướng toàn cầu hóa.
Lấy ví dụ từ sự phát triển không ngừng của Singapore, ông Masuzoe cam kết Tokyo sẽ thực hiện nhiều cải cách hơn, không chỉ riêng trong nhập cư mà còn ở lĩnh vực thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Một số chuyên gia kinh tế trước đó đã cho rằng Thế vận hội mùa hè năm 2020 là một cơ hội hiếm có để Tokyo trở lại thời kỳ phát triển nếu có những chính sách đầu tư hợp lý hơn.
Đối với người Việt Nam, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường lao động hấp dẫn. Ở môi trường làm việc tại nước Nhật, các lao động được rèn luyện từ kỹ năng làm việc đến tính kỷ luật cao, những yếu tố luôn được người Nhật coi trọng. Nếu nắm bắt được cơ hội từ chính sách rộng cửa đón lao động trình độ cao, người Việt Nam sẽ dễ dàng tìm việc làm tại nước Nhật hơn so với trước đây. Âu đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho những bạn trẻ Việt Nam muốn tìm cơ hội phát triển ở xứ hoa anh đào.
BẢO KHANH