Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một căn bệnh nguy hiểm và phổ biến. Việt Nam có khoảng 4,2% số người từ 40 tuổi trở lên bị COPD, trong đó nhiều nhất là khu vực các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Căn bệnh mãn tính này thường là gánh nặng rất lớn cho người bệnh vì chi phí điều trị cao, thời gian điều trị dài và nhiều biến chứng. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật về y tế, nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh COPD đã được thực hiện thành công ở nước ta, trong đó nổi bật nhất là kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều đã mở ra những hy vọng và cơ hội mới nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh COPD.
Số người mắc tăng cao
Tại khu điều trị của Bệnh viện Phổi trung ương, các giường bệnh cho bệnh nhân COPD không lúc nào vắng bóng người bệnh. Mệt mỏi, nặng nhọc thở hắt từng cơn, bác T.N.Long (ở Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: Mới đầu, lúc vào đây nhập viện tôi cứ nghĩ mình bị viêm phế quản mãn tính nhưng sau quá trình kiểm tra, chiếu chụp, các bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bẩn và không khí ô nhiễm”.
Theo các chuyên gia, bệnh COPD là căn bệnh làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, căn bệnh này rất khó chữa khỏi hoàn toàn, liên tục tiến triển nặng dần và các bệnh nhân khi có chẩn đoán mắc COPD thường cần dùng thuốc kéo dài.
Nội soi phổi.
Đáng lo hơn, số người mắc COPD ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang gia tăng mạnh do môi trường sống ngày càng ô nhiễm vì khói xe và bụi bẩn. Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào cũng rất dễ mắc căn bệnh này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có trên 600 triệu người trên toàn cầu bị bệnh COPD, hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 chỉ sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 4,2% số người từ 40 tuổi trở lên mắc bệnh COPD. Trong khi đó, qua các nghiên cứu cho thấy, chi phí điều trị cho COPD cao hơn hẳn chi phí điều trị hen, lao, viêm phổi. Hơn nữa, COPD ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày, với các biểu hiện thường xuyên như: ho, khạc đờm mỗi sáng; khó thở khi gắng sức; lo lắng, mỏi mệt; suy giảm các cơ quan chức năng và dễ bị suy hô hấp dẫn tới tử vong trong một đợt kịch phát của bệnh. Dự đoán đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do COPD gây ra sẽ đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây bệnh và tỷ lệ mắc bệnh có thể chiếm tới 11% dân số.
Đột phá trong điều trị
COPD là một căn bệnh mãn tính và nguy hiểm nên việc điều trị cũng rất khó khăn. Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện nay việc điều trị COPD chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và dự phòng như cai thuốc lá, tập thở và sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ. Điều trị can thiệp chỉ áp dụng cho những bệnh nhân có biến chứng nặng ở phổi.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh COPD cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cho bệnh nhân COPD, mới đây, các y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt van một chiều bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho bệnh nhân nặng. Đây là kỹ thuật nhằm làm giảm dung tích toàn phổi, cải thiện chức năng hô hấp, kết quả làm giảm triệu chứng khó thở, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, cho biết, kỹ thuật đặt van một chiều làm giảm thể tích phổi bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm là một kỹ thuật hiện đại trong điều trị bệnh COPD, được nhiều nước phát triển trên thế giới thực hiện.
Đáng chú ý, Bệnh viện 103 là cơ sở điều trị đầu tiên của Việt Nam triển khai thực hiện kỹ thuật này với nhiều bệnh nhân được can thiệp thành công. Đây là kỹ thuật nhằm loại bỏ phần phổi khí thũng dẫn đến cải thiện chức năng vùng phổi lành, kết quả là giảm triệu chứng khó thở, tăng khả năng vận động của bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Có 2 nhóm kỹ thuật chính làm giảm thể tích phổi ở bệnh nhân COPD là: Phẫu thuật cắt bỏ vùng phổi khí thũng và nội soi phế quản làm giảm thể tích phổi. Tuy nhiên, nội soi phế quản làm giảm thể tích phổi bằng van một chiều có ưu điểm là thực hiện được cả trên bệnh nhân giai đoạn nặng, can thiệp nhẹ nhàng và ít tai biến. Nguyên lý hoạt động của van một chiều là chỉ cho luồng khí, dịch tiết ra ngoài, trong thì thở ra làm xẹp vùng phổi khí thũng nhưng không cho luồng khí đi vào vùng phổi khí thũng ở thì hít vào.
PGS-TS Hoàng Mạnh An cũng cho biết, sau khi thực hiện thành công, Bệnh viện Quân y 103 đã chuyển giao kỹ thuật đặt van một chiều bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm để điều trị bệnh COPD cho một số bệnh viện lớn trên cả nước, trong đó có Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh COPD, đồng thời giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị cho người bệnh.
TRUNG KIÊN